Cao Bằng là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, nơi gắn với nhiều hoạt động quan trọng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đi vào lịch sử của dân tộc. Trong kho tàng di tích lịch sử của Cao Bằng, có di tích Sân vận động Thành phố, nơi mãi khắc ghi lời dạy của Bác.
Gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng có rất nhiều di tích, nhưng Sân vận động Thành phố là di tích có niên đại muộn nhất, đồng thời cũng là di tích cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Mùa xuân năm 1961, trong chuyến thăm này, Người dành cho nhân dân các dân tộc Cao Bằng từ ngày 19 – 21/2/1961. Sáng 21/2/1961, tại Sân vận động Thị xã (nay là Thành phố Cao Bằng) Người nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Cao Bằng, sau 20 năm xa cách… Tại đây Người đã căn dặn câu nói nổi tiếng, niềm tự hào của dân tộc Cao Bằng: “Ngày trước Cao Bằng là một căn cứ địa cách mạng và kháng chiến đồng bào Cao Bằng đã góp phần xứng đáng trong công cuộc đánh Nhật, đánh Tây và giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc… và là một trong những tỉnh đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.
Sân vận động Thành phố Cao Bằng tọa lạc tại Phố Vườn Cam, Phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, là loại hình di tích lưu niệm sự kiện và danh nhân. Sân vận động nằm ở phía Bắc Thành phố, phía Đông, Tây, Bắc giáp Phố Nước Giáp, phía Nam giáp phố Vườn Cam. Năm 1925, đây là nơi giải trí thể thao của thực dân Pháp. Khoảng năm 1940, thực dân Pháp xây dựng một khán đài nhỏ ở phía Tây của sân đủ chỗ ngồi cho khoảng 30 đến 40 người người ngồi, mái được đổ bằng mái bằng bê tông, ghế ngồi được xây bằng gạch lát xi măng thành bậc. Năm 1948, người Pháp phá khán đài để phục vụ vào mục đích quân sự. Sau giải phóng Cao Bằng, năm 1950 sân vận động được dùng làm đất trồng cây thuốc lá. Đến năm 1958 Ủy ban hành chính Thị xã Cao Bằng trả lại mặt bằng sân và dựng lại khán đài bằng gỗ, mái được lợp ngói máng dựa trên vị trí khán đài cũ của Pháp để lại.
Sáng ngày 21/2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Cao Bằng đã đứng trước khán đài này (Tức vị trí khán đài A ngày nay) để nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Cao Bằng, lúc đó khán đài được xây dựng bằng gỗ, cột, kèo vuông, hoành tròn. Cấu trúc nhà khán đài theo kiểu nhà đất 4 gian 3 cột nhưng chiều dọc gồm 2 cột: Cột nóc và cột mái sau, chiều ngang gồm 5 cột. Diện tích sử dụng của khán đài là 100m2 chiều ngang 20 mét, chiều dọc 5 mét, khán đài được dựng quay mặt ra hướng Đông, mái gồm 2 mái được lợp bằng ngói máng âm dương, mái ngắn dài khoảng 60 cm ở phía trước của sân, mái dài che kín cả khán đài về phía sau dài khoảng 6 mét. Ghế ngồi vẫn là xây gạch lát xi măng thành bậc của Pháp làm để lại, gồm có 3 bậc mỗi bậc dài khoảng 1,2 mét, bậc trên cao hơn bậc dưới khoảng 30 cm. Diện tích sân hồi đó rộng gần 2 nghìn mét vuông. Sân có cọc gôn bóng đá, bóng truyền. Xung quanh sân có hàng rào bằng vầu đan chéo nhan và có một cửa ra vào duy nhất là vị trí của chính phía Nam bây giờ. Bên ngoài xung quanh hàng rào là nhà dân.
Hiện nay, Sân vận động Thành phố do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý, đã qua nhiều lần cải tạo và nâng cấp. Sân có diện tích 2.400m² có hai cửa chính ra vào sân được mở theo hướng Bắc, Nam và hai cổng phụ được mở theo hướng Đông, Tây. Phía Tây của sân là khán đài A đủ chỗ ngồi cho khoảng 300 đến 400 người ngồi mái được lợp bằng tấm lợp Prôxi măng, cột sắt, cột bê tông, ghế ngồi được đúc bằng những thanh bê tông dài xếp thành hàng, hàng trên cao hơn hàng dưới, thoai thoải đi lên trên. Phía Đông của sân là khán đài B không có mái, ghế ngồi cũng là những thanh bê tông dài cũng được xếp thành hàng tượng tự như khán đài A đủ chỗ ngồi cho khoảng 3 nghìn đến 4 nghìn người ngồi. Từ ngoài hai cổng chính vào sân khoảng 15 mét là hai cọc gôn chơi bóng rổ và hai cọc gôn chơi bóng đá. Xung quanh sân là hàng rào kín bằng tường xây gạch xi măng cao 3 mét. Bên ngoài xung quanh tường rào của sân là đường mòn đi lại và nhà dân.
Đã hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lên thăm Cao Bằng lần cuối cùng và để lại những lời dạy quý báu, những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, quyết tâm đưa Cao Bằng thoát khỏi tỉnh nghèo và ngang bằng với các tỉnh trong khu vực. Vinh dự và tự hào là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, là quê hương thứ hai của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu xây dựng quê hương Cao Bằng phát triển về mọi mặt, xứng đáng là quê hương anh hùng, cách mạng.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm quản lý, bảo vệ và phát triển, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển và con người Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài nước; tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sầm Việt An: Sân vận động Thành phố là một di tích lịch sử có giá trị, nơi đây đã ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng, là chứng tích động viên Đảng bộ và nhân các dân tộc Cao Bằng cùng nhau góp phần xứng đáng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Di tích gắn liền với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc tại Cao Bằng tháng 2/1961. Ngày nay, bên cạnh phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thành phố, Sân vận động Thành phố mang giá trị lưu giữ truyền thống yêu nước, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.
H.C