Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp: Cơ hội và thách thức qua cơ chế thị trường

Đổi mới sáng tạo xanh là yếu tố cốt lõi giúp chúng ta ứng phó với các thách thức nêu trên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước và tăng năng suất cây trồng. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra rất cần sự chung tay của các bên liên quan và nhà nước đóng vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam đã có các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và hiện đang thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa với các bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Chiến lược xác định 6 ngành quan trọng trong đó có ngành nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động phát triển xanh, bền vững, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như: Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030; Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030; Quyết định 157/QĐ-TTg ngày 1/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030… cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình và kế hoạch hành động khác nhau nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Hội thảo là dịp để các bên liên quan trao đổi, cập nhật thông tin về thúc đẩy nông nghiệp xanh thông qua cơ chế thị trường; là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách, xây dựng khung pháp lý, tạo hệ sinh thái để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp.

Tại Hội thảo, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc và một số đại biểu tham dự, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Hội Trí thức và Chuyên gia Việt – Úc (VASEA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm triển khai các hoạt động hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái gắn với đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, tư vấn, phát triển sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Việc ký kết đánh dấu một bước chuyển mới cho quan hệ hai bên, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp tại Việt Nam./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *