Công tác đào tạo nghề (ĐTN), giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Hà Quảng được các cấp, ngành, đoàn thể chính trị địa phương quan tâm thực hiện. Đây được xem là một “mắt xích” quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội địa phương, giảm nghèo bền vững.
Thay đổi tư duy sản xuất
Anh Nông Trung Tiến, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà cho biết: Những năm trước, tôi mua máy cày về làm đất phục vụ gia đình và làm thuê cho các hộ trong xóm khi vào mùa vụ. Khi máy hỏng, phải đem ra trung tâm huyện sửa, mất thời gian đi lại và chi phí tốn kém, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình. Sau khi tham gia khóa đào tạo sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở tại xã, đến nay tôi tự sửa chữa. Nhiều hộ dân trong xã và khu vực lân cận khi có máy cày, máy tuốt lúa, máy bừa, máy gặt bị hỏng thường gọi tôi đến sửa, tạo thêm việc làm và thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình.
Cùng với nghề phi nông nghiệp, nhiều hộ dân sau khi được học các lớp dạy nghề áp dụng những kiến thức đã học vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Được tham gia lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Trương Văn Công, xã Cần Yên xây dựng mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao. Anh Công chia sẻ: Gia đình tôi chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, muốn chăn nuôi quy mô lớn nhưng thiếu kiến thức chăn nuôi, thú y. Mỗi khi cần điều trị cho lợn hay phối giống cho lợn, gia đình phải thuê người về làm, vì thế chi phí tăng cao, lợi nhuận thấp. Được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, thú y do huyện tổ chức giúp tôi có kiến thức phát hiện và điều trị các loại bệnh thường gặp ở lợn, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tôi biết cách chọn giống lợn đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật pha trộn thức ăn giúp đàn lợn sinh trưởng tốt, chất lượng thịt cao. Đến nay, tôi đầu tư xây dựng trang trại rộng khoảng gần 1.000 m2, nuôi 40 con lợn nái, hơn 400 con lợn thịt, thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 1 – 2 lao động, mỗi lao động 5 triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Thị Huệ, xã Nội Thôn sau khi tham gia lớp ĐTN trồng gừng, nghệ và sơ chế gừng, nghệ, mạnh dạn trồng hơn 1 ha gừng, nghệ theo đúng kỹ thuật, từ khâu xử lý đất, chọn giống, chuẩn bị hom giống, bón phân, chăm sóc cây gừng, nghệ đến khâu thu hoạch. Mỗi năm, gia đình thu nhập từ cây gừng, nghệ hơn 40 triệu đồng.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế
Để người trong độ tuổi lao động có việc làm, huyện xác định ĐTN phải gắn với nhu cầu thực tế để giải quyết việc làm bền vững. Trên cơ sở đó, huyện ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch thực hiện công tác ĐTN. Khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người dân; căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương lựa chọn nghề phù hợp cho lao động.
Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp và ĐTN”, huyện phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, trong đó quan tâm định hướng nghề nghiệp theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp ĐTN, dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho người lao động trên địa bàn các xã, thị trấn gắn với nhu cầu thực tế từng địa phương như: điện dân dụng, chăn nuôi gia súc, trồng trọt… Hằng năm, các ngành, hội đoàn thể mở hàng trăm lớp tập huấn với hàng nghìn lượt người tham gia trên các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, giúp người dân trên địa bàn nâng cao kiến thức, kỹ thuật, năng lực nghề, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, canh tác, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên tư vấn, giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau khi học nghề, lao động được tư vấn, hỗ trợ người lao động vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm để tạo việc làm tại chỗ.
Từ đầu năm đến nay, huyện giải quyết việc làm cho 634 người lao động, đạt 90,57% kế hoạch. Mở 14 lớp ĐTN cho 462 lao động nông thôn tại các xã, thị trấn, trong đó 8 lớp ĐTN nông nghiệp, 6 lớp nghề phi nông nghiệp. Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm xét duyệt cho vay 51 dự án mới với số vốn 4.065 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 51 lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào đạt 46,35%, trên 70% lao động tìm được việc làm, tự tạo việc làm, nhiều lao động sau khi học nghề được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Ngọc Dung