Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm tai giữa mạn tính là bệnh lý không hiếm gặp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây những biến chứng như thủng màng nhĩ, xẹp nhĩ, viêm màng não,…

Cấu tạo của tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Trong đó, tai giữa gồm có: màng nhĩ, các xương con (xương búa, xương đe, xương bàn đạp) và các xương chũm (xương thái dương).

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng từng đợt, chảy mủ dai dẳng, mủ chảy ra ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ, hoặc không chảy mủ ra ống tai ngoài trong trường hợp màng nhĩ không có lỗ thủng, thời gian từ 6 tuần trở lên.

Triệu chứng viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mạn tính thường biểu hiện rõ rệt với việc chảy mủ tai, không gây đau và nghe kém. Triệu chứng đau là không phổ biến trừ khi biến chứng viêm xương thái dương xuất hiện ở người bệnh. 

Nếu màng nhĩ bị thủng, mủ tai sẽ chảy ra tai ngoài, ống tai ẩm ướt và có tổ chức u hạt. Bệnh nhân có xuất hiện những khối mềm, trắng giống như bã đậu (cholesteatoma) có thể sốt, đau đầu, chóng mặt và/hoặc đau tai.

Viêm tai giữa làm giảm khả năng nghe - Ảnh: Freepik

Viêm tai giữa làm giảm khả năng nghe – Ảnh: Freepik


Nguyên nhân viêm tai giữa mạn tính

Các tác nhân gây viêm tai giữa mạn tính là do virus, vi khuẩn và nấm. 

Trong đó: 

  • Streptococcus pneumoniae – vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis và Streptococcus pyogenes. 
  • Các loại virus gây bệnh cảm lạnh, cúm như adenovirus, enterovirus, parainfluenza, hoặc virus hợp bào hô hấp RSV cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa.
  • Nấm cũng được báo cáo trong một số trường hợp viêm tai giữa, nhưng vai trò gây bệnh vẫn không quá rõ ràng.

Bên cạnh các tác nhân trên, viêm tai giữa cấp nếu không được điều trị và theo dõi cẩn thận cũng sẽ là nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.

Viêm tai giữa mạn tính cũng có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc khi nước xâm nhập vào tai giữa thông qua lỗ thủng màng nhĩ trong khi tắm hoặc bơi. Hoặc khi người bệnh tiếp xúc dài với ô nhiễm không khí và vệ sinh kém đều là tác nhân khiến triệu chứng bệnh nặng thêm. 

Phương pháp điều trị viêm tai giữa mạn tính

Điều trị viêm tai giữa mạn tính yêu cầu người bệnh phải làm sạch hoàn toàn ống tai nhiều lần mỗi ngày bằng cách loại bỏ cẩn thận những mô hạt, mủ và sử dụng corticosteroid tại chỗ và kháng sinh.

Các nhóm thuốc điều trị cho bệnh này bao gồm: kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc nhỏ tai. Lưu ý rằng thuốc kháng sinh điều trị đợt cấp viêm tai giữa mạn có nhiều nhóm, trường hợp người bệnh đang dùng thuốc theo đơn của bác sĩ mà triệu chứng không cải thiện thì nên khám lại hoặc phản hồi với bác sĩ để được điều chỉnh loại thuốc phù hợp hơn. Tránh kéo dài thời gian, vì điều này làm tăng nguy cơ khiến bệnh khó hồi phục. 

Có một số trường hợp, người bệnh điều trị kháng sinh kéo dài mà không đáp ứng với thuốc, sẽ được lấy mủ, cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để điều trị.

Vấn đề làm thuốc tai cũng rất quan trọng. Bác sĩ sẽ dùng ống hút và que bông chuyên dùng để làm sạch mủ đọng ở ống tai, giúp dẫn lưu mủ trong tai giữa ra ngoài tốt hơn và sử dụng thuốc nhỏ tai hiệu quả hơn. 

  • 10 giọt dung dịch ciprofloxacin tại chỗ được nhỏ trong tai 2 lần/ngày trong vòng 14 ngày.
  • Khi tai xuất hiện những mô hạt, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ vi phẫu hoặc đốt bằng que bạc nitrate để loại bỏ những mô này. Dung dịch Ciprofloxacin và dexamethasone sẽ được nhỏ liên tục vào trong ống tai trong 7 – 10 ngày. Nếu mô hạt vẫn tồn tại hoặc tiếp tục tái phát mặc dù đã được điều trị tại chỗ, nên sinh thiết để loại trừ ung thư.
  • Các đợt cấp nặng hoặc phẫu thuật kháng sinh toàn thân sẽ được áp dụng với amoxicillin 250 – 500 mg uống mỗi 8 giờ trong 10 ngày hoặc cephalosporin thế hệ thứ 3, sau đó được điều chỉnh bằng các kết quả nuôi cấy và đáp ứng với điều trị.

Viêm tai giữa mạn tính là bệnh không hiếm, không khó nhận biết nhưng điều trị thường dai dẳng. Bệnh khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng, giảm chức năng nghe. Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy bản thân khi thấy bất thường về sức khỏe phải tập trung điều trị dứt điểm tránh xảy ra biến chứng đáng tiếc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *