Tài xế xe công nghệ “cầu cứu” vì thu nhập giảm 50%, chiết khấu cao

“Bây giờ nghề tài xế bạc bẽo quá”

Chiều 4/11, tài xế N.H. (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) cầm sẵn bộ hồ sơ xin việc trên tay, lái xe đến trụ sở ngân hàng để xin làm bảo vệ vì đồng lương tài xế không đủ nuôi sống vợ, con. “Không biết có được nhận hay không, nhưng vẫn phải cố”, anh H. nói.

Có thâm niên hơn 8 năm lái xe ôm công nghệ, anh H. cho hay năm nay thu nhập đã giảm 50% so với thời điểm mới vào nghề.

Tài xế xe công nghệ cầu cứu vì thu nhập giảm 50%, chiết khấu cao - 1

Thu nhập giảm một nửa, tài xế xe ôm công nghệ tiếc thời “vàng son” (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Mỗi ngày, nam tài xế phải làm việc từ 6h đến 23h để kiếm số tiền 300-400.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ các chi phí xăng xe, ăn uống, anh bỏ túi 250.000 đồng/ngày.

Thậm chí, có hôm chạy từ sáng sớm đến hơn 15h, anh chỉ kiếm được 156.000 đồng. Theo anh H., số tiền này chỉ đủ nuôi bản thân anh, không thể “mơ” đến chuyện lo cho gia đình nhỏ.

Tài xế xe ôm công nghệ Phan Ngọc (38 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng vừa “gác” nghề gắn bó hơn 9 năm để chuyển sang bán xôi.

“Bây giờ nghề tài xế bạc bẽo quá, tôi đành làm việc khác thì mới mong kiếm đủ tiền nuôi gia đình. Khi nào rảnh thì tôi mới chạy xe kiếm thêm, tôi không xem nó là công việc chính nữa”, anh Ngọc nói.

Theo anh Ngọc, chiết khấu giữa công ty và tài xế tăng dần qua từng năm. Đến nay, chiết khấu lên đến 33%, (đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân, VAT). Nếu trừ luôn cả phí xăng xe, bảo trì, ăn uống,… thì tài xế chỉ bỏ túi khoảng 50% giá trị thực nhận của mỗi chuyến xe. Dù vậy, số lượng cuốc xe lại giảm liên tục do ngày càng có nhiều người đăng ký làm tài xế. 

“Trước đây, tài xế có thể kiếm được 3.500 đồng hoặc nhiều hơn đối với mỗi km. Giờ chỉ còn 3.000-3.300 đồng/km thôi. Tài xế nào muốn thu nhập như cũ thì phải tăng số giờ chạy lên, nhưng đâu phải ai cũng đủ sức”, anh Ngọc chia sẻ.

Có nên coi xe ôm công nghệ là nghề cho thu nhập chính?

Từ kiếm được 700-800.000 đồng/ngày, tài xế Ngọc ngậm ngùi khi thu nhập giảm còn 500.000 đồng, thậm chí là 200.000 đồng/ngày.

Hằng tháng, riêng học phí của con anh Ngọc đã ngót nghét 10 triệu đồng. Vợ anh từ nội trợ, giờ đây phải đi làm để phụ chồng kiếm tiền lo cho gia đình. Theo anh Ngọc, muốn đủ sống, tài xế xe ôm công nghệ phải làm việc hơn 12 giờ/ngày. Đối với những hôm ế khách, họ phải làm việc suốt 14-15 giờ/ngày.

Tài xế xe công nghệ cầu cứu vì thu nhập giảm 50%, chiết khấu cao - 2

Nhiều tài xế cho biết, họ phải tăng số giờ làm việc để có thu nhập đủ nuôi sống gia đình (Ảnh minh họa: Nam Anh).

“Có nhiều đồng nghiệp muốn chuyển nghề nhưng vì nhiều lí do nên chưa thể. Tôi bỏ 9 năm theo nghề, thu nhập thì càng lúc càng giảm, chỉ có sức khỏe bị tổn hại nhiều. Việc bán xôi tuy không đem lại lợi nhuận cao, nhưng thu nhập của 4 giờ bán đã bằng 14 giờ làm tài xế”, anh Ngọc cho hay.

Đồng cảm với anh Ngọc, tài xế N.H. đã ở thế sẵn sàng bỏ nghề ngay khi tìm được công việc mới.

Trước đây, anh H. từng là nhân viên kỹ thuật máy tính với mức lương trung bình. Tính chất công việc gò bó thời gian khiến anh không chăm sóc được 2 con nhỏ. Lúc này, anh H. nghe nói rằng nghề lái xe ôm công nghệ có thu nhập cao, thời gian lại linh hoạt nên không ngần ngại bỏ nghề để chạy xe ôm.

Sau hơn 8 năm làm tài xế, anh H. nhận ra ngoài thu nhập trước mắt, thứ anh nhận lại cuối cùng là sự lãng phí cơ hội, thời gian và sự hao tổn về sức khỏe.

Giờ đây, anh H. dù có muốn quay về làm công việc cũ cũng không thể. Vì vậy, vị trí bảo vệ mà anh sắp xin vào làm chính là chiếc “phao cứu sinh” duy nhất trong thời điểm hiện tại.

Ngày nay, càng có nhiều tài xế “vỡ mộng” vì xem nghề lái xe ôm công nghệ là nguồn thu nhập chính. Theo TS. Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành), không nên xem công việc lái xe ôm công nghệ là một nghề ổn định, bởi nó chỉ như “phao cứu sinh” khi lao động chưa có tay nghề hoặc đang không biết làm gì.

Tài xế xe công nghệ cầu cứu vì thu nhập giảm 50%, chiết khấu cao - 3

Không ít chuyên gia cho rằng, người lao động không nên xem nghề lái xe ôm công nghệ là công việc chính, mang tính chất lâu dài (Ảnh minh họa: Nguyễn Chi).

Công việc này chỉ có thể giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi, không phải là công việc mang lại sự ổn định lâu dài, “nghĩa là nó không bền”.

“Thời điểm này, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Tôi dự đoán sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được “trả” lại cho những ngành nghề khác”, ông Điền nói.

Không những vậy, tài xế xe ôm công nghệ cũng không có bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp chi trả. Do vậy, tài xế sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sức khỏe, tai nạn giao thông khi hành nghề.

“Ví dụ như đã làm công nhân, ngoài giờ thì nên nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Làm công nhân 8 tiếng/ngày, tối còn chạy xe ôm thì không đáng. Vì làm việc không thường xuyên, bản thân người lao động cũng không có cuốc chạy nhiều mà còn ảnh hưởng sức khỏe, thời gian”, ông Điền cho hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *