Biển cảnh báo nguy hiểm không đến gần đình Nhân Hậu |
Đáng buồn hơn, cấp xã, huyện hiện đang rất lúng túng về phương án “cứu chữa” vì luôn vin vào không có nguồn kinh phí, đồng thời sẽ lên kế hoạch tháo dỡ đình cổ để làm nhà văn hóa xóm… Chẳng lẽ không có cấp nào “cứu chữa”?!
“Không vào trong khu vực này để phòng tai nạn”
Ngày 20.9, Văn Hóa có bài Đình Nhân Hậu (Nghệ An) sắp sập, ai chịu trách nhiệm? (số 3934), phản ánh di tích đình Nhân Hậu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn đang bị xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào. Hiện ngôi đình dường như không có ai trông coi, bảo vệ; chưa có phương án tu bổ cấp thiết theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Sau khi Văn Hóa phản ánh, Sở VHTT Nghệ An tức tốc có văn bản số 3050/SVHTT-QLDSVH gửi UBND huyện Nam Đàn kiểm tra, xử lý theo nội dung phản ánh của Văn Hóa. Sau hơn một tháng kể từ ngày báo phát hành, phóng viên Văn Hóa trở lại ngôi đình cổ Nhân Hậu, với hy vọng rằng, bằng sự vào cuộc của Sở VHTT Nghệ An, một trong những ngôi đình có giá trị kiến trúc nghệ thuật truyền thống, nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh sẽ được các cấp, các ngành quan tâm nghiên cứu, xây dựng phương án tu bổ, chống xuống cấp theo hình thức cấp thiết. Tuy nhiên, dường như mọi thứ tại di tích đình Nhân Hậu vẫn không có gì thay đổi, ngoài việc địa phương nơi đây đã kịp “phủ kín” lên mái đình một tấm bạt và treo lên tấm biển cảnh báo: “Khu vực nguy hiểm. Không vào trong khu vực này để phòng tai nạn”. Đau xót hơn nữa, trao đổi với lãnh đạo xã, huyện họ đều nói, ngôi đình có thể sẽ bị sập, khó để khôi phục và không có kinh phí; có lẽ một số cấu kiện của đình sau khi hạ xuống sẽ dùng làm nhà văn hóa xóm…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn Vương Hồng Thái, sau khi Văn Hóa phản ánh, vào cuối tháng 9 vừa qua, Thường trực Huyện ủy đã làm việc với Đảng ủy xã Hùng Tiến, trong đó có việc giao Đảng ủy, UBND xã Hùng Tiến sớm có giải pháp tu bổ, tôn tạo đình Nhân Hậu. UBND xã Hùng Tiến đã tiến hành làm việc với Chi ủy, Ban chỉ huy, Ban công tác mặt trận xóm Nhân Hậu để triển khai tìm giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích. Thế nhưng, do nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo đình khá lớn trong khi ngân sách còn khó khăn nên không thể triển khai. UBND xã và xóm cũng tiến hành kêu gọi xã hội hóa để tiến hành tháo dỡ và phục dựng đình về vị trí của xóm, nhưng chẳng được bao nhiêu. “Tiếp đến, ngày 3.10, sau khi có chỉ đạo của Sở VHTT, chúng tôi đã đến xem thực trạng của đình và làm việc với xã Hùng Tiến. Tại đây đã có các phương án đưa ra để khôi phục đình theo hướng phục dựng, đưa đình về lại vị trí cũ, nhưng hiện tại chưa có nguồn kinh phí. Cũng đã tính đến phương án hạ giải đình để bảo quản tại một trường học hiện không sử dụng, tuy nhiên, vì đình đã hư hỏng, việc tháo dỡ đình có thể sẽ làm di tích bị sập. Trước mắt sẽ cho tháo dỡ và bảo quản những yếu tố gốc còn lại của di tích, sau đó sẽ dùng những cấu kiện gỗ còn tốt làm nhà văn hóa xóm”, ông Thái nói.
Còn ông Bùi Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho rằng, xã cũng đã tính đến phương án dỡ đình để bảo quản, nhưng nếu dỡ ra, xếp vào kho có thể làm đình hư hỏng hơn. Phương án đáng tiếc nhất, nếu không giữ được hiện trạng như hiện nay, đình cổ sẽ bị đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích. Huyện đưa ra phương án cấu kiện gỗ của đình sẽ làm nhà văn hóa xóm, nhưng lại yêu cầu xã phải làm văn bản đề xuất, trong khi đó xã chưa có nguồn kinh phí, việc dùng đình làm nhà văn hóa xóm phải chờ vào “Mạnh Thường Quân”, con em trong xã đóng góp. Nếu phương án trên được cơ quan ban, ngành phê duyệt mà chưa có kinh phí thì cũng không thể làm được. Theo văn bản chỉ đạo của Sở VHTT về việc kịp thời triển khai các phương án chống đỡ, gia cố trước mắt để di tích không bị đổ sập, xã đã chi 10 triệu đồng mua dây rào bao quanh, bạt phủ lên đình, không để đình phải phơi nắng phơi mưa như trước đây. Về yêu cầu chống đỡ, xã chưa làm được bởi đình đã mục, sợ đụng đến là sập nên hiện không thể có phương án để chống.
Sau phản ánh của Văn Hóa, ngôi đình cổ Nhân Hậu được phủ kín bạt để chống nắng mưa |
Chần chừ chỉ biết nhìn di tích sập đổ
Cần nhớ rằng, ngày 31.7.2020, nghĩa là cách đây chỉ mới 3 năm, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Tại quyết định này, UBND tỉnh Nghệ An đã quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp huyện.
Theo đó, “Tổ chức quản lý nhà nước đối với di tích thuộc danh mục kiểm kê trên địa bàn theo phân công quản lý, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định hiện hành của Nhà nước và tỉnh Nghệ An về bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền”. Đặc biệt, UBND cấp huyện “đầu tư kinh phí và bố trí kinh phí đối ứng cùng ngân sách tỉnh, kinh phí các khoản thu hợp pháp từ các hoạt động phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết di tích và quản lý các nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý”. Dẫn lại quy định này để thấy, UBND huyện Nam Đàn không thể cứ mãi vin vào chưa có nguồn kinh phí hoặc ngân sách của huyện còn khó khăn để “thoái thác” trách nhiệm trong việc phải đầu tư kinh phí để tu sửa cấp thiết đình cổ Nhân Hậu, chứ không chỉ dừng lại ở cảnh báo…
Cách đây hơn một tháng, Văn Hóa có bài phản ánh về đình Nhân Hậu |
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng ban Quản lý di tích Nghệ An cho hay, đình Nhân Hậu có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là tài sản của ông cha để lại, vì thế cần phải có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nếu tính đến phương án hạ giải thì sau này sẽ gây khó khăn trong việc phục hồi kiến trúc của đình cổ. Muốn bảo vệ, phát huy giá trị di tích chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc, không được thờ ơ. Về phía người dân, ông Hồ Văn Lâm, nhà ở cạnh đình Nhân Hậu cho biết, “chúng tôi nghe cấp trên về chỉ đạo “cứu” đình nên vui lắm. Thế nhưng, nhìn tấm bạt phủ và tấm biển cảnh cáo nguy hiểm thấy càng xót xa hơn”. Ông Lâm bày tỏ, đình là chứng tích của một vùng quê có bề dày lịch sử, lưu dấu những kỷ niệm, ký ức của bao thế hệ người dân làng Nhân Hậu, nhưng nay ngôi đình cổ đang đổ nát, chỉ chờ sập khiến nhiều người trong và ngoài xã Hùng Tiến không khỏi tiếc nuối.
“Tôi vô cùng băn khoăn là, đình đã được vào danh sách kiểm kê nhưng vì sao không có phương án xử lý sớm. Những năm qua các cấp các ngành ở đâu để đình xuống cấp trầm trọng như hôm nay. Chỉ đến khi báo phản ánh thì người ta mới biết về thực trạng điêu tàn. Thật có tội với tiền nhân”, ông Lâm buồn rầu nói.
Sở VHTT đề nghị UBND huyện Nam Đàn chỉ đạo các Phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND xã Hùng Tiến thực hiện một số nội dung: Tổ chức kiểm tra thực tế tại di tích, kịp thời triển khai các phương án chống đỡ, gia cố trước mắt để di tích không bị đổ sập; dựng biển báo để cảnh báo nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Xây dựng phương án tu bổ, tôn tạo để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lâu dài. (Trích văn bản của Sở VHTT Nghệ An) |
UBND huyện Nam Đàn không thể cứ mãi vin vào việc chưa có nguồn kinh phí hoặc ngân sách của huyện còn khó khăn để “thoái thác” trách nhiệm trong việc phải đầu tư kinh phí để tu sửa cấp thiết đình cổ Nhân Hậu, chứ không chỉ dừng lại ở cảnh báo. |
Tác giả: PHẠM NGÂN
Nguồn tin: baovanhoa.vn