Ngành Dầu khí Việt Nam có những kỹ thuật khoan mà một số người cho rằng có thể sánh ngang tầm thế giới như khoan xiên, khoan ngang. Chỉ khi trò chuyện với ông Lê Quang Nhạc, tôi mới biết được rằng các thợ khoan người Việt học cách khoan xiên thủ công từ người Nga rồi áp dụng công nghệ, dần hoàn thiện đủ bộ “đứng – ngồi – nằm”.
Ông Lê Quang Nhạc thời còn công tác tại Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng – Vietsovpetro. |
Ông Nhạc cho biết: “Thuở ban đầu, chúng tôi học từ người Nga về kỹ thuật khoan cơ bản, sau đến khoan xiên, ngang. Thời đó đã có hẳn một bộ dụng cụ dành riêng cho khoan xiên. Khác cái là khi thả cần chúng tôi phải định vị, làm dấu trên từng cần rồi khoan đến vị trí nào thì quay bàn rotor, tính toàn phản lực khi xoay cần để hướng tới vị trí tiếp theo”. Sau nay khi đã “nâng cấp” công nghệ khoan thì mỗi bộ khoan cụ được trang bị thêm động cơ đáy để chỉnh xiên tự động, thông tin được báo tự động lên màn hình, kỹ sư chỉ cần theo dõi sao cho mũi khoan đi đúng vị trí đã tính toán, lựa chọn.
Kỹ thuật khoan ngang cũng được phát triển lên từ kỹ thuật khoan xiên, người thợ khoan có thể xoay hướng mũi khoan trong lòng đất theo đúng hướng mà các nhà thiết kế giếng khoan đã lựa chọn. Với sự hỗ trợ của máy tính, công nghệ khoan được người thợ Việt Nam chủ động theo đúng ý đồ và kế hoạch khoan, thử vỉa, thăm dò, khai thác. Bởi vậy, nói không ngoa rằng riêng về kỹ thuật, công nghệ khoan thăm dò, khai thác dầu khí thì Việt Nam không thua kém gì các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, trong xí nghiệp khoan còn có riêng một chuyên ngành là “sửa chữa giếng khoan”.
Theo ông Nhạc thì sau khi hoàn tất khoan giếng, đội khoan sẽ bàn giao lại cho xí nghiệp khai thác để khai thác dầu khí. Trong quá trình khai thác, do nhiều nguyên nhân vẫn có thể xảy ra sự cố, trục trặc, đơn cử như các thiết bị đáy giếng mất kiểm soát, giảm áp suất, móp méo ống chống, sập lở…, khi ấy cần đội “bác sĩ” giàn khoan tới thăm khám, “ép hơi – thổi ngạt”. Trường hợp thường xảy ra trong sửa chữa giếng là cái Parker bị kẹt, cần phải kéo lên sửa lại. Nếu nhà sản xuất “chuẩn” thì tháo ra dễ dàng nhưng gặp trường hợp khó thì kẹt cứng…
Ông Nhạc bảo, cần chú ý nhất là cần ép hơi khai thác thường rất mỏng và khó kéo do dễ đứt. Đặc biệt, trong quá trình sửa chữa giếng, khí đồng hành trong mỏ tích tụ nhiều trong lòng cột ống, chỉ cần bất cẩn một chút thôi, khí phụt lên là dễ cháy giàn như chơi. Bởi vậy, đội sửa chữa “sợ” nhất là các vùng mỏ khí.
Ngồi nói chuyện với ông Nhạc một lúc, ông giải thích cho tôi một loạt các từ chuyên môn của dân khoan như “cứu kẹt”, “chống phun trào”, “móp méo ống”… đều ảnh hưởng tới áp suất và năng suất khai thác mỏ dầu. Có vẻ thấy “ông cháu” không “thấm” lắm, ông Nhạc như biến thành một thầy giáo đầy kiên nhẫn, lấy ngay trong thực tế để minh họa. Ông ví von: “Công nghệ sửa giếng sử dụng công nghệ giãn ống thủy lực, tìm chỗ rò rỉ của ống chống trong giếng để “dán” ống lại như vá… săm xe đạp ấy. Rồi ông tỉ mẩn vẽ cho tôi một quy trình để khoan một giếng khoan khai thác.
Lúc ấy, một kẻ ngoại đạo như tôi mới vỡ ra phần nào là thực tế công nghệ khoan khai thác dầu khí khác xa với suy nghĩ bấy lâu nay của mọi người là “cứ đào giếng rồi múc dầu lên” như các cụ nhà ta vẫn đào giếng lấy nước. Theo đó, đơn giản nhất là công nghệ khoan “đứng” thì mỗi giếng dầu có ít nhất 5-7 cấp đường kính ống chống thả xuống ở các độ sâu khác nhau từ vài trăm mét đến 4-5 nghìn mét. Mỗi cột ống chống có nhiệm vụ khác nhau như ngăn nước biển, định hướng, chống sập lở, cách ly các vỉa chênh lệch áp suất, khai thác…
Trong đó, để khoan 1 giếng khai thác dầu thì từ lúc đặt mũi khoan xuống lòng đất đến lúc hoàn thành, rút lên, đội khoan phải mất nhiều tháng xử lý nhiều công đoạn như khoan, chống ống bơm trám xi măng, bắn mìn…để khơi dòng dầu. Có thể thấy rằng, nghề khoan dầu khí trên biển là một nghề khá đặc thù trong thăm dò và khai thác mỏ. Với việc các mỏ dầu khí lớn tại Việt Nam đang trong quá trình cạn kiệt tự nhiên nhanh chóng bởi đã khai thác nhiều năm, cộng với những đặc thù về địa chất, địa tầng của thềm lục địa và bể trầm tích của nước ta thì nghề khoan thăm dò, khai thác càng nên được coi trọng, phát triển.
Người lao động Vietsovpetro trên giàn Tam Đảo 01 (Ảnh: Đức Hậu). |
Đến nay, đội ngũ thợ khoan của Việt Nam tại Vietsovpetro, Tổng Công ty Thăm dò khai Thác Dầu khí (PVEP) và Tổng Công ty Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đều có trình độ cao và kinh nghiệm dạn dày, không chỉ đảm nhiệm được toàn bộ các hạng mục khoan thăm dò, khai thác, thử vỉa tại các mỏ dầu trong nước, nước ngoài mà còn được các tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế tin tưởng thuê thực hiện khoan thăm dò, khai thác tại nhiều vùng biển trong khu vực và trên thế giới.
Kể từ năm 1987, khi vỉa dầu trong tầng móng được phát hiện tại mỏ Bạch Hổ, đến năm 2009 đã khai thác được 160 triệu tấn dầu, chiếm tới 90% sản lượng khai thác dầu mỏ Bạch Hổ. Sau mỏ Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… đã lần lượt được phát hiện và khai thác cho đến ngày nay. |
Thành Công (lược ghi)