Lùi về 20 năm trước, ở nông thôn, nghe có hội chợ lô tô là trẻ con háo hức như Tết. Người ta gọi trò chơi lô tô là nét văn hóa nghệ thuật đậm chất miền Tây. Gánh hát thường diễn ở một nơi cố định, nếu đông khách có thể dừng chân ở lại đến nửa tháng, sau đó tiếp tục diễn lưu động liên huyện, liên tỉnh.
Bây giờ, các gánh lô tô không còn hưng thịnh, nhưng vẫn xuất hiện thường xuyên ở các vùng quê. Cùng với sự “sống lại” của loại hình, những người theo nghề cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp, xóa đi những tiêu cực từng gắn với loại trò chơi này (cờ bạc, phi nghệ thuật, biểu diễn thô hay phản cảm…). Trên sân khấu, họ khơi dậy các chủ đề tình yêu, quê hương, văn hóa… qua lời hát một cách gần gũi và đa dạng sắc màu.
Trong đó, một phần phải kể đến những gameshow truyền hình, với sự góp mặt của các “bóng hồng” thuộc nhiều đoàn lô tô khác nhau. Họ tham gia là thí sinh, trợ diễn…, để tranh thủ quảng bá về đoàn của mình, tạo thiện cảm với khán giả.
Hội chợ lô tô luôn vui, bởi ai cũng có không gian riêng để chơi. Con nít rất dễ hài lòng với trò đu quay, câu cá, thưởng thức bánh kẹo…
Thiếu niên lớn hơn thì có trò ném bóng, phi tiêu, chuột bọ… đổi lấy quà.
Phần chính của hội chợ là chơi lô tô. Vừa nghe lời hát quen thuộc: “Con số gì ra cờ ra con mấy con mấy gì ra…” là ai nấy hướng mắt về sân khấu theo dõi chăm chú.
Dò số lô tô rất đơn giản, mà sao cuốn hút kỳ lạ! Mỗi tờ số chỉ 10.000 đồng, đánh dấu xong số này lại thấp thỏm chờ nghe số kế tiếp. Sự dí dỏm, hài hước, thậm chí có phần xéo sắc của người kêu lô tô khi giao lưu với khán giả đã đem lại những tràng cười thú vị.
Phần thưởng không phải là tiền mặt, mà là những món đồ đặt sẵn trên sân khấu. “Trúng” được một em thú bông, thùng mì hay thùng nước ngọt… là người chơi đã khoái chí lắm rồi.
Tưởng chừng đã mai một, những năm gần đây, hội chợ lô tô trở lại với những hình ảnh đẹp, sống động, phục vụ phút giải trí thú vị và lành mạnh được người dân đón nhận. Đó cũng là một phần đời sống tinh thần nối dài từ ký ức xưa cũ của nhiều thế hệ từ xưa đến nay.