Dòng vốn đầu tư của Mỹ đi các nước trên thế giới có đặc điểm là chất lượng cao, không phải trong sản xuất, kinh doanh thông thường mà ưu tiên nhiều ở những lĩnh vực công nghệ, các chuỗi giá trị công nghệ cao, môi trường, hạ tầng… nhưng bản chất vẫn liên quan công nghệ.
Trong khi đó, môi trường thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu của nhà đầu tư Mỹ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN) Mỹ. Chất lượng nguồn nhân lực có thể tham gia lĩnh vực công nghệ cao, bo mạch, phần cứng, chip bán dẫn còn thấp… Đó là những rào cản trong thu hút vốn FDI chất lượng cao từ Mỹ, khiến DN Việt khó trở thành một phần trong chuỗi giá trị của họ.
Phải đến Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 (tháng 8-2019) nêu rõ chính sách thu hút FDI mới là ưu tiên các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu… Chiến lược này đã và đang phù hợp để đón làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhất là sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cơ hội để đón vốn FDI mới từ Mỹ sẽ nhiều hơn.
“Xây tổ cho đại bàng” thì phải xem tổ đó có đúng nhu cầu của “đại bàng” không? Không thể sớm gỡ được hết khó khăn nhưng những bước đi hiện tại của Chính phủ, bộ, ngành đang có những tín hiệu tích cực trong nâng chất đầu tư FDI. Thực tế, Việt Nam đã và đang tạo ra nền tảng nhất định cho ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao từ điện, điện tử, sản xuất thiết bị máy tính khi những tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc đã xây dựng đại bản doanh… Các DN trong nước cũng thành công bước đầu khi sản xuất, gia công phần mềm công nghệ cho nước ngoài, có nền tảng về sản xuất phần cứng và có thể gia nhập chuỗi giá trị này.
Nhìn rộng hơn, đang có làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghệ cao sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nổi lên như một cứ điểm có chính sách phù hợp, có chất lượng để vốn FDI chảy vào. Vậy chúng ta tận dụng cơ hội cho làn sóng đầu tư từ Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn thế nào?
Ngoài sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, logistics, môi trường đầu tư thuận lợi, quan trọng là chiến lược phát triển khoa học – công nghệ nguồn, phần cứng phải là tất yếu. Nhiều DN trong nước đang làm phần cứng, thấy được cơ hội và đang nỗ lực để tham gia chuỗi sản xuất này.
Chắc chắn khi DN Mỹ đầu tư trong lĩnh vực này tới Việt Nam thì cơ hội của các DN trong chuỗi cung ứng sẽ rất lớn. Bởi trong chuỗi giá trị như sản xuất một tai nghe, điện thoại hay bo mạch… sẽ cần rất nhiều DN từ Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc tới và cơ hội cho DN Việt Nam liên kết, liên doanh, dần chuyển giao công nghệ cũng hình thành.
Làn sóng mới này cũng là cơ hội để thu hút người Việt trình độ cao ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có từ Mỹ, về nước làm việc, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thái Phương ghi