Tay chơi New Zealand ‘đọ loa’, dân chán ngấy Céline Dion

PORIRUA, New Zealand (NV) – Một thành phố nhỏ tại New Zealand đang bị quấy rầy vì “cuộc chiến còi báo động” từ những chiếc xe hơi gắn loại loa dùng trong hệ thống cảnh báo khẩn cấp và thường xuyên phát ra âm thanh inh ỏi của các ca khúc Céline Dion. Dân chúng đang kêu gọi giới chức can thiệp và chấm dứt tiếng ồn.

Cuộc giằng co là một phần của nền văn hóa New Zealand, nơi những người đam mê âm nhạc gắn hàng chục cái loa công nghiệp, loa phóng thanh và còi báo động trên xe hơi, sau đó thi nhau hụ còi để có được âm thanh rõ và lớn nhất.

Thị trưởng Porirua, Anita Baker, cho biết người dân như đang bị tra tấn vào ban đêm bởi những chiếc xe hơi chạy quanh đường phố hoặc đậu tại các bãi xe trong các cuộc thi loa.

Loa tăng cường trong xe hơi (Hình minh họa: Jvxhn Visuals/Pexels)

Âm nhạc của Céline Dion phổ biến cho các trận chiến bằng còi báo động, bắt nguồn từ dân số Pasifika ở miền Nam Auckland. Trong khi các sinh hoạt làm nhiều người phàn nàn về tiếng ồn, các cuộc chiến bằng còi báo động cũng góp phần phát triển cộng đồng. Tin tức trên truyền thông địa phương The Spinoff, dẫn lời thành viên của một nhóm còi báo động giải thích rằng âm nhạc của Dion rất phổ biến vì nó trong trẻo, có âm bổng cao và âm trầm không nhiều. Tuy nhiên, Baker nói rằng “mấy ông vua còi báo động” tại Porirua đang khủng bố cư dân bằng những hành động không được chào đón đối với các nhạc phẩm kinh điển của Dion.

“Họ bật nửa bài hát rồi sửa nó bằng dụng cụ của họ và tạo ra tiếng rít nên không giống như người ta đang thưởng thức một bản nhạc hay,” Baker, người ủng hộ những vị vua còi báo động có ý tứ, cho biết. “Tôi không có ý chê bai thậm tệ nhưng đó chưa phải là một bài hát hoàn chỉnh.”

Một bản kiến nghị yêu cầu hội đồng địa phương can thiệp, được đưa ra hồi đầu tháng này, thu thập hàng trăm chữ ký. Hàng chục cư dân cũng phàn nàn với Baker, trong đó có một số người cân nhắc dọn đi chỗ khác ở nếu vấn đề vẫn tiếp diễn.

Trước đây ở Porirua từng có một thỏa thuận đình chiến, các trận giao tranh còi báo động có tổ chức sẽ hướng tới các khu công nghiệp cách xa nhà dân và hạ màn trước 10 giờ tối, thị trưởng cho hay. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhiều cuộc chiến lại diễn ra ở trung tâm thành phố và các khu dân cư với “tiếng nhạc rền vang và tiếng còi báo động hú lên suốt đêm,” theo đơn thỉnh cầu hội đồng giải quyết vấn đề.

Baker cho biết vị trí địa lý của Porirua, gần Wellington, lại làm cho vấn đề trầm trọng hơn.

Cảnh sát nhận được trình báo về khoảng 40 sự việc liên quan tới cuộc chiến bằng còi báo động từ Tháng Hai tới Tháng Mười năm nay, theo tin tức của Đài RNZ. Phát ngôn viên cảnh sát cho biết nhà chức trách đang tìm cách nhận dạng những người ăn cắp loa và đội cảnh sát quận đã được loan báo về sự tái diễn của các cuộc đọ loa ở Porirua. Baker đang hợp tác với cảnh sát, giới chức hội đồng khu vực và địa phương để giải quyết rắc rối. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *