Với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội bền vững gắn với tăng trưởng xanh, dẫn đến gia tăng năng suất, tạo ra sản phẩm giá trị, doanh nghiệp (DN) cần có lực lượng lao động chất lượng, trình độ kỹ năng cao. Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), về những đòi hỏi của DN đối với người lao động (NLĐ) hiện nay.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về NLĐ Việt Nam hiện nay?
– Ông HUỲNH KIM KHOA: Hiện nay, kỹ năng và năng lực cạnh tranh toàn cầu của lao động nước ta còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện tính bền vững. Nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam chỉ xếp trên Lào và Campuchia, trong khi Singapore xếp thứ 1, Malaysia 27, Thái Lan 38, Philippines 64…; thua kém nhiều so với chuẩn của thế giới (chỉ đạt 46/100 điểm, xếp hạng 103/141 nước, kém rất xa một số quốc gia ASEAN).
Ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fuji Impluse
Bên cạnh đó, đa số lao động Việt Nam còn yếu và thiếu các kỹ năng cơ bản, nền tảng cần thiết để thích ứng trong bối cảnh hội nhập và thay đổi công nghệ bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều NLĐ qua đào tạo ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu của DN do thiếu kỹ năng thực tiễn. Các lĩnh vực kinh tế, ngành nghề ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao gặp thách thức do thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao.
Ngoài ra, vấn đề về thể lực, ý thức kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng được coi là những điểm yếu của lao động Việt Nam.
Theo ông, đâu là nguyên nhân?
– Về vấn đề kỹ năng, tôi thấy hiện nay, ở các trường nghề, cao đẳng và đại học, sinh viên, học viên chủ yếu học lý thuyết, chưa được thực hành, thực tập nhiều. Nhiều trường đã đầu tư phòng thực hành nhưng sau 5 năm máy móc đã lạc hậu vì không có điều kiện nâng cấp như DN.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, trường và DN liên kết chặt chẽ với nhau. Sinh viên cần nơi thực hành, thực tập và cập nhật kiến thức, công nghệ mới; còn DN cũng cần nguồn nhân lực chất lượng.
Doanh nghiệp cần lao động có kỹ năng, kiến thức pháp luật và ý thức trách nhiệm với công việc. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Về ý thức, tác phong công nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, tôi thấy nhiều lao động Việt Nam còn kém. Bởi lẽ, đa số họ đều xuất phát từ nông thôn, không được đào tạo, khi vào làm thì DN mới bắt đầu đào tạo. Nhưng thực tế, hiện rất ít DN chú trọng đào tạo về tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật và kiến thức pháp luật cho NLĐ.
Chỉ một số ít DN có đào tạo nhưng lại sơ sài, dẫn đến NLĐ hiểu biết nửa vời. Điều này càng nguy hiểm vì nếu họ hiểu sai, tuyên truyền sai cho NLĐ khác thì dẫn đến những hệ lụy khó lường. Tiêu biểu như vấn đề rút BHXH một lần, rất nhiều người đang hiểu là luật đã thông qua, NLĐ sẽ không được rút BHXH một lần nữa. Hệ lụy là nhiều NLĐ rủ nhau nghỉ việc, “chạy luật”, dẫn đến DN xáo trộn, thiếu lao động sản xuất.
Cách nào để khắc phục những hạn chế trên, thưa ông?
– Tại các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc…, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh được làm rất tốt. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được tham quan nhà máy, xí nghiệp để thấy tận mắt, nghe tận tai về quy trình sản xuất và có định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Còn về mặt ý thức, kiến thức pháp luật, ngay khi học THCS, THPT, các em đã được học về việc tuân thủ pháp luật, nội quy, trách nhiệm trong công việc, với bản thân và xã hội.
Để nâng cao chất lượng lao động trong nước, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, các bộ, ngành cần có chương trình đào tạo, nâng tay nghề cho NLĐ tại DN, ưu tiên NLĐ bị mất việc làm, lao động lớn tuổi. Các đoàn thể, cơ quan chức năng, cơ sở đào tạo… cần phối hợp với DN tăng cường tuyên truyền cho NLĐ hiểu về những chính sách pháp luật, ý thức nghề nghiệp, giá trị lao động, ý nghĩa của công việc… nhằm hỗ trợ DN ổn định nguồn nhân lực bền vững.