Đeo tai nghe sai cách, kích ứng khuyên tai, viêm da tiết bã dẫn đến tích tụ ráy tai, tăng tiết nhờn có thể gây ra mùi hôi tai.
Tai có mùi xảy ra ở nhiều người và có thể tái diễn thường xuyên. Nhiều mồ hôi và độ ẩm, bụi bẩn ở tai dẫn đến tích tụ vi khuẩn gây mùi khó chịu. Tai có mùi không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe, mất vệ sinh. Dưới đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai có mùi.
Tích tụ chất nhờn: Nếu không vệ sinh tai thường xuyên, chất nhầy tích tụ nhiều, dày đặc có thể gây ra mùi khó chịu. Tùy vào cơ địa mỗi người, tuyến bã nhờn tiết ra lượng dầu khác nhau. Bã nhờn khô bám quanh vành tai, vùng tai ngoài có thể cạo được bằng tai. Mọi người nên tắm mỗi ngày, lau sạch và khô tai ngoài để loại bỏ chất nhờn tích tụ.
Vi khuẩn: Có thể tạo ra mùi khó chịu. Vi khuẩn có thể bám trên khẩu trang, khăn mặt và tóc hoặc do các sản phẩm chăm sóc dành cho tóc. Nên gội đầu thường xuyên, dùng khẩu trang y tế một lần hoặc giặt thường xuyên nếu là khẩu trang vải để giữ vệ sinh tai.
Viêm da tiết bã: Do vùng sau tai có nhiều tuyến bã nhờn là nguyên nhân khác dẫn đến mùi hôi ở tai. Triệu chứng viêm da tiết bã như ngứa, bong tróc, viêm da, đóng vảy và rỉ nước. Bệnh xảy ra nhiều ở người có cơ địa da dầu, có thể xuất hiện ở phần trên ngực và mặt.
Người mắc viêm da tiết bã nên khám bác sĩ da liễu để có hướng điều trị thích hợp. Người bệnh có thể thay dầu gội, kem bôi da nếu nghi ngờ các sản phẩm này gây kích ứng.
Tai nghe: Đeo tai nghe bịt kín tai thường xuyên, liên tục trong tuần tăng tiết bã nhờn, ô nhiễm và vi khuẩn. Sự tích tụ gây ra mụn trứng cá, mùi khó chịu và nhiều tình trạng da khác như viêm da. Bên cạnh vệ sinh tai, cần hạn chế đeo tai nghe liên tục, thường xuyên vệ sinh nút tai, tai nghe.
Khuyên tai: Vùng da tai dễ kích ứng nếu không hợp với khuyên tai dẫn đến các triệu chứng như đau, sưng tấy và chảy dịch. Xỏ khuyên tai không hợp vệ sinh tăng khả năng nhiễm trùng tai ngoài.
Một số cách để làm sạch tai như dùng khăn vải mềm thấm nước ấm, lau sạch vùng tai ngoài mỗi ngoài. Người có ráy tai tích tụ có thể đến bác sĩ tai mũi họng lấy ráy, không dùng tăm bông ngoáy vì dễ đẩy ráy vào sâu hơn gây tắc nghẽn và nhiễm trùng. Lau khô tai hoặc dùng máy sấy tóc (cường độ sấy nhỏ nhất) để làm khô tai.
Khi viêm da bã tiết, chất nhờn tích tụ hoặc hôi tai do bệnh lý, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Anh Chi (Theo Livestrong)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |