Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ban, ngành liên quan đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Đây là biện pháp thiết thực góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện tình hình kinh tế và doanh nghiệp còn khó khăn.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng tiến độ thời gian và đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Bên cạnh đó, đề xuất này sẽ được đưa vào Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 như một trong những biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tăng cường hỗ trợ
Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế đều ở mức lớn chưa từng có.
Từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Riêng năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng và tính đến tháng 9/2023 đã thực hiện khoảng 152,2 nghìn tỷ đồng. Từ đó, góp phần tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi cho nên hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn.
Chín tháng năm 2023, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng 19,9%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8,2%; kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán năm. Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực, đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi hoạt động xuất khẩu giảm sút. Do vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các giải pháp về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và khả năng kích cầu.
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế-xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Bộ Tài chính đề xuất cần triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.
Theo đó, cần tiếp tục xem xét giảm thuế giá trị gia tăng 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí…
Khắc phục và bù đắp hụt thu ngân sách Nhà nước
Theo thống kê của Bộ Tài chính, chỉ qua ba tháng thực hiện (tháng 7, 8, 9/2023) chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, doanh nghiệp và người dân đã được hỗ trợ tổng cộng khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng.
Số kinh phí này đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Từ tháng 7/2023, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng 7,1%, tháng 8 là 7,6% và tháng 9 là 7,5% (chấm dứt đà suy giảm của chỉ số này kể từ tháng 1/2023).
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý III và chín tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát, CPI bình quân chín tháng năm 2023 tăng 3,16%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 4,5%).
Trên thực tế, việc thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023.
Do vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Theo đó, tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá tác động đến thu ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% dự kiến sẽ giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Số liệu này được tính toán dựa trên cơ sở dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước ở khâu nội địa trong sáu tháng cuối năm 2023 (bình quân mỗi tháng là khoảng 2.550 tỷ đồng) với giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 khoảng 5-7%.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Đồng thời, quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
“Làm tốt các giải pháp này, số thu ngân sách Nhà nước sẽ ổn định, tạo điều kiện ngược trở lại cho việc hỗ trợ người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn” – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định.