Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim

Ngày nào đi học cũng khóc

Chiều muộn, tại hiệu thuốc rộng chừng 20m2 của chị Mai Hồng Tươi (35 tuổi), ở thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có nhiều khách đứng đợi mua thuốc.

“Chú đưa đơn thuốc cháu xem. Chú uống 3 loại thuốc. Hai thuốc này chú phải uống trước ăn còn loại màu hồng uống sau ăn. Nhớ uống nhiều nước nhé chú!”, dược sĩ Tươi ân cần dặn khách.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 1

Vượt qua mọi khó khăn, chị Tươi trở thành dược sĩ (Ảnh: Hạnh Linh).

Chị Tươi mang gương mặt khiếm khuyết, một bên mắt không thể nhìn thấy ánh sáng, khuyết một bên tai. Hướng về phía vị khách, nữ dược sĩ chăm chú lắng nghe để lấy thuốc, tư vấn cho người dùng.

Tranh thủ lúc vắng khách, chị Tươi kể, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều là hai thời điểm hiệu thuốc đông khách nhất. Có người đến mua thuốc, có người đến để tư vấn sử dụng thuốc, cách kiêng cữ, sử dụng đồ ăn phù hợp khi uống thuốc…

Tươi là con đầu trong gia đình có 2 chị em gái. Từ khi chào đời, Tươi đã mang những khiếm khuyết trên khuôn mặt, không có tai phải, mắt phải bị che khuất.

Hy vọng con có thể nhìn thấy ánh sáng như người bình thường, bố mẹ quyết định đưa Tươi đi phẫu thuật cắt bọng mắt. Ca phẫu thuật thất bại, 8 tuổi, cô bé Tươi vĩnh viễn bị mù mắt phải.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 2

Chị Tươi không còn mặc cảm, tự tin về ngoại hình (Ảnh: Hạnh Linh).

Sức khỏe yếu, mắt phải bị mù, cô bé Tươi vẫn năn nỉ bố mẹ đưa đến lớp. Thời gian đầu, cô bé khuyết tật bị các bạn trêu chọc. Ngày nào đi học Tươi cũng khóc…

Con tật nguyền, thể trạng yếu ớt. Đi học được vài hôm lại ốm, bà Tống Thị Thắm xin nghỉ việc ở nhà lo cho con. Bà Thắm cho biết, 9 tháng mang nặng đẻ đau, khi sinh con ra thấy cơ thể con khiếm khuyết, người làm mẹ buồn tủi. Lên cấp 3, con còi cọc, chỉ nặng 30kg. Ngày thi trượt đại học, Tươi như mất phương hướng, mặc cảm, sống khép mình.

“Con buồn, cả nhà cũng buồn. Nhiều người nói, khuyết tật thì không nên thi thố, học hành. Song tôi thấy con ham học nên động viên, an ủi giúp con lấy lại niềm tin, lựa chọn nghề phù hợp”, bà Thắm nhớ lại.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 3

Với chị Tươi, mẹ luôn là người truyền cảm hứng, giúp chị vượt khó (Ảnh: Hạnh Linh).

Nghe lời khuyên của bố mẹ, Tươi nộp hồ sơ thi vào ngành Dược, trường Trung cấp Y tế Nam Định. Ra trường với tấm bằng loại khá, chị Tươi mở hiệu thuốc tại nhà. Năm 2019, nữ dược sĩ tiếp tục học lên Cao đẳng Dược ở Thanh Hóa.

Đã gần 10 năm qua, chị hành nghề dược sĩ, tư vấn, bán thuốc tại nhà. Chị Tươi bảo, công việc của một dược sĩ giúp chị tìm được niềm vui, bỏ qua mặc cảm, tự ti. Hạnh phúc nhất là khi người bệnh nói lời cảm ơn bởi liều thuốc chị lấy giúp họ giảm cơn đau, khỏi bệnh.

“Tôi tự tin nói với mọi người rằng, tôi dù khuyết tật, chỉ nghe bằng một tai, nhìn được bằng một mắt, nhưng sống bằng cả trái tim. Những người tật nguyền như tôi nếu không thể đi được, có thể bò, nhanh hay chậm thì chúng tôi cũng sẽ về tới đích”, nữ dược sĩ trải lòng.

“Thấy trẻ em nghèo, phải nghỉ học còn thiệt thòi hơn mình”

Công việc ổn định, mỗi tháng chị Tươi có thu nhập hơn 6 triệu đồng từ việc bán thuốc. Nữ dược sĩ để ra một phần tiền nhất định phát triển các mặt hàng mới, đi tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và một phần hỗ trợ trẻ mồ côi khó khăn, bất hạnh.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 4

Phút rảnh rỗi, mẹ con chăm sóc vườn rau (Ảnh: Hạnh Linh).

Năm 2020, chị Tươi nhận đỡ đầu em Hoàng Bảo Thy (SN 2008, tại thị trấn Hà Trung) có bố mắc ung thư giai đoạn cuối.

Đầu năm 2023, chị Tươi đỡ đầu, hỗ trợ 200.000 đồng/tháng cho bé Cù Thị Yến Nhi (học sinh lớp 6 trường THCS Yến Sơn, huyện Hà Trung).

Yến Nhi cho biết, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng ở tỉnh Phú Thọ, thỉnh thoảng mới về Thanh Hóa thăm em. Em ở với ông bà nội đã già yếu. Thương hoàn cảnh của em, mỗi tháng chị Tươi gửi tiền hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 5

Chị Tươi và Yến Nhi (Ảnh: Hạnh Linh).

“Đầu năm nay, có thêm người thân là chị Tươi, em rất xúc động. Thật may mắn khi được chị, một người xa lạ quan tâm, sẻ chia. Lời nói, việc làm của chị Tươi giúp em thêm niềm tin, động lực trong cuộc sống”, Yến Nhi nói.

Chia sẻ về quyết định nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, chị Tươi cho biết: “Thấy các bé thiệt thòi, bất hạnh, có nguy cơ phải nghỉ học bởi gia cảnh nghèo khó, tôi rất thương. Tôi mong sự hỗ trợ dù là nhỏ cũng sẽ tiếp thêm động lực, giúp các bé tiếp tục đến trường”.

Thầy Dương Văn Tiến, Phó hiệu trưởng Trường THCS Yến Sơn, cho biết, được sự hỗ trợ của chị Tươi, nữ sinh Yến Nhi vơi bớt khó khăn, tiếp tục đi học. Việc làm thiết thực, ý nghĩa của chị Tươi giúp lan tỏa tình yêu thương giữa con người với nhau.

Cô gái chỉ nghe một tai, nhìn một mắt, sống bằng cả trái tim - 6

Chị Tươi vui khi đón nhận những bông hồng Yến Nhi tặng (Ảnh: Hạnh Linh).

Bà Trương Thị Thư, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hà Trung, cho biết, chị Tươi là người phụ nữ khuyết tật đầu tiên ở huyện Hà Trung nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, khó khăn.

“Người khuyết tật lo cho mình đã rất khó nhưng chị Tươi đã không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ, chia sẻ tình yêu thương với những mảnh đời bất hạnh, khiến nhiều người cảm phục”, bà Thư chia sẻ.

Ông Lê Đình Tùng, Phó chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa, cho biết vốn là đối tượng yếu thế, người khuyết tật đi học, đi làm đều rất khó khăn. Dược sĩ Mai Hồng Tươi đã vượt qua những ranh giới của người khuyết tật, nỗ lực tự khẳng định bản thân.

Hơn 200.000 người khuyết tật tại Thanh Hóa, chỉ số ít tự lo được cho bản thân, càng hiếm người có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, san sẻ tình yêu thương như chị Tươi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *