Người tiếp xúc với âm thanh 85 dB trở lên trong thời gian dài có thể giảm khả năng nghe, hỏng thính giác.
Mỗi ngày, tai tiếp xúc với nhiều loại tiếng ồn ở các mức độ khác nhau. Ví dụ, nghe nhạc lớn là kiểu tiếp xúc âm thanh phổ biến. Âm thanh từ điện thoại thông minh hoặc thiết bị nghe cá nhân, tiếng ồn xây dựng lớn, xe cộ… đều ảnh hưởng đến tai.
Nghiên cứu công bố tháng 3/2023 của Trường Đại học Y Stanford (Mỹ), tiếng ồn lớn có thể làm hỏng tế bào, màng, dây thần kinh và các cấu trúc khác của tai trong như ốc tai, dẫn đến mất thính lực thần kinh giác quan hoặc điếc thần kinh thính giác. Mất thính giác nhanh thường xảy ra khi tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian ngắn, chậm hơn nếu nghe tiếng ồn nhiều lần.
Triệu chứng mất thính lực do tiếng ồn là âm thanh bị bóp nghẹt hoặc méo, ù tai. Theo thời gian, các cuộc trò chuyện trở nên khó nghe, phải tăng âm lượng của tivi, thường xuyên yêu cầu người khác nói to hơn bình thường.
Theo Tổ chức Sức khỏe thính giác Mỹ, tiếp xúc nhiều lần với tiếng ồn còn ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình ở tai trong. Tổn thương này gây chóng mặt, mất thăng bằng và mờ mắt. Người bị mất thính lực có nhiều khả năng rối loạn thăng bằng hơn người bình thường.
Nghiên cứu công bố tháng 3/2023 của Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) trên 240.000 người, cho thấy tiếng ồn trên đường có liên quan đến huyết áp cao. Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn giao thông có thể dẫn đến tăng đường huyết, cholesterol cao và kích hoạt yếu tố đông máu. Tất cả đều liên quan đến bệnh tim mạch.
Khi mất thính lực, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm cao hơn. Tác động của mất thính giác đối với sức khỏe tâm thần có thể khiến người bệnh rút lui khỏi xã hội, cáu kỉnh, tức giận và thiếu tập trung. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, mất thính giác cũng có liên quan đến suy giảm nhận thức và phát triển chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi.
Âm thanh bình thường có âm lượng khoảng 60 decibel (dB). Tiếp xúc với âm thanh từ 85 dB trở lên như âm thanh buổi hòa nhạc, máy khoan, máy trộn… trong thời gian dài có thể hại thính giác. Nếu âm thanh đạt mức trên 120 dB, tác động này xảy ra nhanh hơn.
Sau khi nghe tiếng ồn, các sợi lông tai ngoài bị uốn cong, áp suất tăng lên bởi tiếng ồn lớn tạo ra. Sau khi tiếp xúc, những sợi lông này phục hồi và lấy lại vị trí thẳng đứng, từ đó thính giác trở lại bình thường. Trường hợp nặng, các tế bào lông tai ngoài có thể chết, dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn. Mất thính giác do tổn thương màng nhĩ bởi tiếng ồn lớn có thể hồi phục được vì màng nhĩ có khả năng tự lành lại.
Nên đeo nút tai, bịt tai khi tiếp xúc âm thanh lớn, giữ mức âm lượng của thiết bị nghe trong khoảng 60-85 dB. Nghỉ ngơi, theo dõi mức âm nghe của tai sau khi tiếp xúc tiếng động lớn, đi khám khi đau, khó chịu trong tai kéo dài.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để được bác sĩ giải đáp |