Họ là những nữ nghệ sĩ cải lương, diễn viên, biên đạo múa, hay thậm chí chỉ là nhân viên phụ trách khâu hậu đài. Dù tính chất công việc, vai trò của mỗi người khác nhau, song ở họ là đều có chung niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật. Với tài năng và khát khao cống hiến, họ chính là những “bông hoa” đẹp đã và đang từng ngày tỏa sắc hương cho vườn hoa nghệ thuật trên đất Bạc Liêu.
Nghệ nhân Như Ý biểu diễn đờn tranh tại buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của Câu lạc bộ Âm vang Dạ cổ.
ÂM THẦM CỐNG HIẾN
Hiệu Thị Liên là một trong những diễn viên kỳ cựu của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu khi gắn bó với Đoàn từ những ngày đầu thành lập. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật Khmer, chị Liên sớm bộc lộ năng khiếu múa và đi theo con đường nghệ thuật khá sớm.
Nhờ tự trau dồi và không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp, nữ diễn viên Khmer này đã từng bước phát triển kỹ thuật biên đạo múa. Nhiều năm công tác ở Đoàn, chị Liên tự tay biên đạo rất nhiều tiết mục, tiêu biểu là: “Mối tình nàng tiên cá”, “Chiếc quạt”, “Chuyện tình Nol Thăs”… Chị còn góp mặt trong nhiều vai diễn của các vở dù kê, khó nhất phải kể đến các vai Chằn tinh. Cùng với tập thể Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, chị Liên góp phần mang những chương trình nghệ thuật đặc sắc về tận phum sóc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc.
Không lộng lẫy trong ánh đèn sân khấu như các nghệ sĩ cải lương, chị Tạ Thị Bích Tuyền – nhân viên phục trang của Nhà hát Cao Văn Lầu lại âm thầm cống hiến theo cách riêng. Trong những lần xâm nhập vào phía sau “cánh gà” sân khấu của Nhà hát, chúng tôi thường bắt gặp chị tất bật với công việc chuẩn bị phục trang cho các tuồng cải lương. Cách chị cẩn thận, tỉ mỉ giúp nghệ sĩ khoác lên mình những bộ trang phục đẹp để xuất hiện trên sân khấu cũng đủ thấy niềm đam mê với nghệ thuật. Dù chẳng được khán giả biết đến tên tuổi, song những người làm công việc hậu đài như chị chính là một phần quan trọng để đưa cải lương, hình ảnh nghệ sĩ đi vào lòng khán giả mộ điệu.
Diễn viên Hiệu Thị Liên (thứ 2 từ phải sang) biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật Khmer. Ảnh: H.T
GIỮ GÌN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
Tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) ở Bạc Liêu đang sản sinh ra những nghệ nhân trẻ đầy tiềm năng, trong số đó phải kể đến bạn Đặng Yến Nhi. Thừa hưởng đam mê từ mẹ là nghệ nhân Cẩm Loan, Yến Nhi bắt đầu học hát từ năm 9 tuổi. Tuy nhiên, ấn tượng của chúng tôi với Nhi không chỉ là chất giọng trong trẻo mà còn bởi tài nghệ đờn tranh. Ngoài danh cầm Ngọc Cần nổi tiếng với ngón đờn kìm điêu luyện, Yến Nhi là một trong số rất ít nữ nghệ nhân đờn ở Bạc Liêu hiện nay.
Yến Nhi chia sẻ: “Thuở nhỏ, tôi đã được nghe tiếng đờn tranh từ chú của mình là Nghệ nhân ưu tú Thanh Sử. Yêu thích giai điệu của đờn tranh từ đó, tôi đã theo học để nuôi dưỡng đam mê và mong muốn được giữ gìn, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật ĐCTT của quê hương. Ban đầu, việc học đờn rất khó khăn vì những đầu ngón tay, cánh tay của tôi bị đau do phải gẩy dây đờn quá nhiều. Hiện, tôi đang sinh hoạt ở Câu lạc bộ Âm vang Dạ cổ của Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tôi hy vọng sẽ dùng tiếng đờn để truyền tình yêu ĐCTT đến các bạn trẻ cũng như quảng bá “đặc sản” này đến du khách”.
Gần 14 năm hoạt động nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Diễm My (Nhà hát Cao Văn Lầu) đã khẳng định tên tuổi qua những giải thưởng và các vai diễn “nặng ký”. Tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc – năm 2023, Diễm My một lần nữa tạo dấu ấn nhưng không phải ở phương diện thí sinh mà là diễn viên trợ diễn. Không phải 1 mà đến 4 trích đoạn của các thí sinh được Diễm My tham gia hỗ trợ. Dù việc tập luyện và hỗ trợ thi diễn rất vất vả, song Diễm My thấy hạnh phúc vì được cống hiến cho khán giả những trích đoạn, vai diễn hay. Khép lại cuộc thi, cô đào trẻ này được nhận giải thưởng phụ diễn nhiều nhất.
Bằng tất cả niềm đam mê và tình yêu nghề, các nữ nghệ sĩ, diễn viên và nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã vượt qua khó khăn, áp lực để tiếp tục cống hiến cho đời, cho sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật tỉnh nhà.
HỮU THỌ