Ấy là, nhân những Ngày Tây Ninh tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 7-8.10.2023 tại Thủ đô, thì Khu du lịch Sun World Bà Đen Mountain tại núi Bà dành tặng người dân Hà Nội và Tây Ninh combo cáp treo lên đỉnh và sân Điện Bà chỉ với giá vé 200.000 đồng.
Vậy thì ngày thứ sáu, 13.10 tôi quyết định lên thăm núi. Đấy cũng là vì từ khi khánh thành tuyến cáp nối sân Điện Bà với đỉnh núi, tôi lại chưa đi. Mà nghe nói tuyến mới này có nhiều sự lạ. Nào là độ dốc tuyến cáp là cao nhất. Hai nữa là có tuyến mới, sẽ cho du khách chuyến đi theo một vòng khép kín.
Vòng ấy sẽ là từ mặt đất lên sân Điện Bà. Rồi từ đây sang ga Hoà Đồng ở liền bên, là tuyến lên đỉnh núi. Và sau đó dĩ nhiên là chuyến “hạ cánh” an toàn từ độ cao gần 1.000 mét về lại mặt đất bình yên. Tự nhủ: Đi rồi sẽ biết!
Trên đỉnh Vân Sơn. Ảnh: Hải Triều
“Chiếc nón bài thơ lộng giữa trời
Ngàn năm mây trắng vấn vương chơi”
(Phan Phụng Văn)
Tôi đi hơi sớm, từ hơn 7 giờ. Xe máy thong dong chạy từ TP. Tây Ninh. Mọi sự quả là suôn sẻ. Đường Bời Lời vào núi vẫn chưa đông. Vậy mà bãi giữ xe cũng thấy cả hơn trăm xe gửi trước. Vào mua vé, cô bán còn dặn dò cẩn thận về tuyến đi.
Nào, bữa nay do phải bảo dưỡng định kỳ tuyến cáp lên sân núi Bà nên “quý khách vui lòng” đi lên đỉnh núi trước, sau sẽ theo tuyến xuống sân Điện Bà. Và, lúc về thì ngược lại các tuyến vừa đi để kết thúc hành trình.
Thôi thì cũng tốt, bởi sẽ vẫn còn được đi tuyến cáp được coi là dốc nhất, trong các tuyến đã có ở Việt Nam. Nhưng vẫn còn một chút buồn. Là núi bữa nay, nhìn từ dưới lên chẳng thấy mây trắng trời xanh đâu cả. Bầu trời lầm lì xám, núi vẫn xanh rì nhưng chẳng thấy mây đâu.
Vậy là dễ mất đứt một buổi săn mây kết hợp. Lại tự an ủi, thế này đã là khá lắm. Chứ ở miền Trung miền Bắc đều đang mưa lớn. Đài, báo đưa tin đường núi Hải Vân bị sạt, còn Đà Nẵng ngập sâu. Trong khi ở quê mình, dẫu có lúc mưa nhưng chỉ ngắn thôi rồi lại tạnh. Để cho tôi và nhiều du khách thong dong lên viếng núi Bà.
Nhưng, dẫu còn phân vân hay một chút buồn nào, thì cũng sẽ tan biến đi trên đường lướt cáp treo lên đỉnh núi. Là bởi lên rồi mới thấy trời quang. Dưới vô số lớp mây xa màu xám là lòng hồ Dầu Tiếng phơi mình lấp lánh. Vô số đảo nhỏ nổi nênh như những con tàu.
Và trên sân vườn ở đỉnh núi, các loài hoa kiểng miên man, cùng những tượng nhỏ, đá trang trí lô xô chen lấn. Sân bán nguyệt mênh mông trước tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn lát đá còn luyênh loang ánh nước. Nên mặt sân in bóng mây trời và bóng rất nhiều du khách trên sân.
Bóng nước và mây trời hoà nhập như trời và đất đã hoà lẫn vào nhau. Để ta bước trên sân cũng như thấy mình đang lướt nhẹ giữa trời mây, với một bên, dưới chân tượng Bà là lung linh mặt nước. Và ước mong của tôi quả là không uổng. Bởi cũng đã thấy vài cụm mây trắng tựa bông gòn lãng đãng phía trời xa.
Tôi cũng đi lại cả 4 tầng lầu dưới chân tượng Phật, ngắm lại các pho tượng đặc sắc bằng đá bằng đồng mô tả các vị Phật và Bồ tát. Để bên tai nghe loáng thoáng mấy lời khen của du khách. Rất nhiều giọng Bắc. Người khen khu này sạch và quá đẹp. Một đám đông lại đang í ới gọi nhau vào xem “phòng 3D”.
Các bà bảo ở đây đang chiếu phim “3D” hay lắm, xem mà tưởng như đã rời “cõi tạm” đến thiên đường. Thế nhưng mục tiêu chính của tôi đang ở phía trước- là tuyến cáp từ đỉnh xuống sân Điện Bà hiểm trở, chênh vênh.
Ra ngoài, khoảng hơn 8 giờ đã thấy mây trắng từ phía lòng hồ ùn ùn kéo về phía núi. Đây quả là cảnh tượng lần đầu tôi thấy. Là mây từ bên dưới bay lên. Vậy đường cáp xuống có lúc xuyên qua làn sương mờ trắng mông lung như khói.
Khói mà không khét, không thơm, chỉ có thể cảm thấy trên mặt, trên tay rất đỗi êm mát dịu dàng. Từ tuyến này, ta nhìn được lòng hồ rõ nhất. Và cả cánh đồng Khedol, những con đường vào Suối Đá… bên khối vườn, rẫy cao su có hình vuông vức, kỷ hà.
Quả nhiên, người ta nói tuyến cáp mới này thật sự cho ta cảm giác mạnh nhất. Anh nhân viên hướng dẫn nói: tuyến này chỉ có 30 ca-bin, không như tuyến đỉnh núi tới 90 ca-bin. Và trước mắt tôi, thoáng chốc đã là những vách đá dựng uy nghi, xen giữa cây rừng bạt ngàn xanh với đủ dáng hình, từ cổ thụ cheo leo trên vách đá tới những bụi tre vút lên vô số ngọn măng vàng óng.
Cả những bụi cây mật cật, phát tài núi nghiêng mình xoè tán lá mởn mơ xanh. Dốc đứng, độ nghiêng có lúc phải hơn 45 độ. Để cho ta nhìn hút sâu bên dưới kia là quần thể chùa trên núi. Mái chùa thấp thoáng dưới vòm cây, nổi bật hơn là những ngôi: nhà ga cáp treo và toà nhà giảng đường Diệu Nghĩa vừa khánh thành năm trước. Nổi bật, nhưng cũng “lọt thỏm” giữa màu xanh cây núi miên man.
Đến sân Điện Bà. Hôm nay ngày gì mà có cả người đem heo quay lên cúng trước Điện? Ngôi điện vẫn như xưa, nửa ăn sâu vào hang đá, nửa lộ ra bên ngoài một chiếc vỏ ca. Phải chăng đây là nơi các vị sư tổ đến chọn làm nơi tu hành đầu tiên? Mà bắt đầu là Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu.
Đấy là vào khoảng năm 1763. Nhưng khi ấy chắc chắn là chỉ có hang đá, bởi sách xưa về núi còn ghi: Đến đời tổ Thanh Thọ – Phước Chí (trụ trì từ 1871 đến 1880) thì sau khi xây dựng xong chùa Vĩnh Xuân (TP. Tây Ninh) thì ngài lên núi xây hang Điện vào năm 1872. Điện bà được xây sửa 1 lần nữa vào năm 1957 và còn tới ngày nay.
Ngay cạnh Điện Bà, về bên trái còn một ngôi miễu ông Tà và tấm bia đá. Miễu nhỏ, đúng kiểu thường thấy tại các đình miếu Việt ở Tây Ninh, bên trong cũng có một tảng đá trụ tròn, thuôn dài, chít khăn đỏ. Chỉ khác là nhang khói trăm năm đã làm đá trở nên đen như than đá. Còn bia bằng đá núi Bà, trên có khắc cả 3 loại chữ: Hán, Việt và chữ Pháp. Những dòng quốc ngữ cho biết đây là bia của Hoàng Trọng Phu- Tổng đốc Hà Đông trong lần viếng thăm vào năm 1920.
Sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội vừa đi qua, tôi chợt nhớ: ông có lẽ là người Hà Nội đầu tiên lên viếng núi Bà.
Đang là những ngày thu đẹp nhất ở cả Tây Ninh và Hà Nội. Mùa ở ngoài kia, là “mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay…”, như một nhà thơ viết. Thì ở trong này, một nữ sĩ cũng kể “Ngàn năm mây trắng vấn vương chơi” ở núi Bà. Tôi vừa đi qua một combo quà tặng tháng Mười, lại muốn gọi là quà tặng của mùa Thu. Mùa của những đám mây trắng bay ngang ngọn núi, cứ dùng dằng không nỡ rời đi. Người đến với núi Bà có lẽ cũng là như thế!
Trần Vũ