Thăm chợ Thủ đô giữa lòng Chợ Lớn

Nghe chữ “Thủ đô” thoạt tưởng ngôi chợ này ở Hà Nội. Nhưng do lối vào chợ có rạp hát Thủ Đô và gần đó có khách sạn Thủ Đô từ xưa nên người ta lấy tên Thủ đô đặt luôn cho ngôi chợ này.

Sau này, chợ mới được Nhà nước đặt tên là chợ Phùng Hưng (phường 14, quận 5, TP. HCM).

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn, ngôi chợ nằm trên đường Phùng Hưng (từ giao lộ Nguyễn Trãi tới giao lộ Hồng Bàng) và rẽ nhánh vào đường Lão Tử (tới góc rạp hát Thủ Đô).

Thú vị là ngoài 2 cái tên trên, chợ còn được gọi với nhiều cái tên dân dã khác như chợ nhà giàu, chợ chung cư, chợ người Hoa hay chợ dù…

Khu vực chợ có hình chữ T được chia thành các nhóm gian hàng: rau củ trái cây, hàng thịt tươi sống và hàng ăn (chế biến sẵn)…

Đi chợ vào buổi sáng sớm là vui nhất, thấy không khí, sắc màu nơi đây và sự giao thoa văn hóa giữa người Hoa và người Việt. Tiểu thương và người dân ở trong chợ khá cởi mở và dễ chịu.

Chợ nằm giữa cộng đồng dân cư người Hoa nên hàng hóa, thực phẩm ở đây đa dạng văn hóa Việt – Hoa.

Quán bánh cuốn Hồng Kông của chị Ngô Kim Ngọc nghi ngút khói tại hẻm chợ 189 Phùng Hưng được nhiều người biết đến thông qua mạng xã hội.

Điểm khác biệt giữa bánh cuốn Hồng Kông và bánh cuốn nóng Việt Nam là nhân thịt của bánh được xào với nước tương và nấm đông cô.

Ngoài ra, còn có thêm các nhân bánh khác như nhân sò điệp và nhân hải sản (gồm tôm, thanh cua). Bánh cuốn Hồng Kông ăn kèm với cải thìa và nước tương.

Một món thức uống đặc biệt và khá nổi tiếng ở chợ Thủ đô là cà phê vợt Ba Lù. Quán mở từ 2 giờ sáng tới 17 giờ để phục vụ tiểu thương và những người già dậy sớm.

Thời gian gần đây, nhiều khách du lịch và giới trẻ tìm đến quán thưởng thức cà phê vợt và tìm hiểu văn hóa Chợ Lớn.

---

Cà phê vợt Ba Lù phải được uống khi còn ấm nóng mới đúng vị.

Anh Chung Hùng (người Việt gốc Hoa), chủ quán cà phê Bà Lù cho biết, đặc trưng của quán là không sử dụng phin mà chiết, pha hoàn toàn bằng vợt. Để giữ hương vị cà phê không đổi thì phải dùng siêu nấu thuốc bắc để vợt hạt.

Cứ đôi tuần, gia đình anh lại rang và xay cà phê một lần theo cách gia truyền. Cà phê được rang bằng than củi sẽ thơm và đậm vị hơn.

Anh Chung Hùng cho biết thêm, cha anh (ông Ba Lù) tên thật là Lâm Thiệu Điện từ đảo Hải Nam, Trung Quốc, di cư sang khu người Hoa ở Chợ Lớn năm 12 tuổi và khởi nghiệp tiệm cà phê này. Sau khi ông mất thì anh và chị gái quản lý tiệm cà phê. Tính ra quán cũng đã gần 80 năm tuổi.

Cô Kim Yến nay đã ngoài 70 tuổi, trước kia từng phụ quán Ba Lù, chia sẻ: “ngày xưa chợ Thủ đô còn có tên là chợ nhà giàu vì một phần giới chủ người Hoa buôn bán lớn hay đến đây kêu ly cà phê rồi đợi người làm bốc xếp hàng vô chợ. Mãi về sau mới có khách lao động, xe kéo…”

Chợ Thủ đô đã tồn tại gần 100 năm nên mỗi gia đình tiểu thương nơi đây đều là nghề gia truyền. Tại Gala lễ hội bánh mì Việt Nam năm 2023, Bánh mì Tăng được VietKings-Tổ chức xác lập kỉ lục Việt Nam vinh danh Top 10 thương hiệu bánh mì nổi tiếng và lâu đời, hoạt động trên 50 năm tại TP.HCM.

Hay xe há cảo Kiều Ký ẩn mình trong lòng chợ Thủ đô với nghề gia truyền gần 30 năm – đã có trên app giao hàng công nghệ.

Các món ăn Việt được bày bán đa dạng và xen kẽ như bún bò, phở, gỏi cuốn, bánh bèo, sân sa hột lựu, …

Cô Dân là tiểu thương bán gỏi cuốn và bánh bèo tại chợ cho biết: cô ở quận 8 nhưng đã bán gần 50 năm ở đây nên cô nghe và nói được cả tiếng Hoa. Chợ bây giờ vắng hơn trước và cuối tuần mới đông khách, cũng có khá nhiều khách du lịch nước ngoài đến chợ để tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Một trong những điểm đặc biệt nữa của chợ Phùng Hưng là các tiểu thương nơi đây đều thuê dù để che nắng mưa. Đứng từ trên chung cư nhìn xuống sẽ thấy khu chợ chỉ toàn là dù nên người ta gọi thêm cái tên “chợ dù”…

Bạn Trần Tuyết Nhung (bên trái) ở quận 3 đi cùng bạn là Nhật Khánh (bên phải) ghé thăm chợ Phùng Hưng chia sẻ: “Em thấy chợ Phùng Hưng khá đặc biệt, có nét xưa xưa, hoài cổ. Ở đây cũng không có hiện tượng chèo kéo nên em thoải mái đi dạo quanh chợ, không bị làm phiền”.

Bạn Vũ Thế Khang, SV năm cuối khoa Kiến Trúc Cảnh quan, trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM đến chợ tham quan, trò chuyện với tiểu thương ở chợ để tìm hiểu đề tài ở góc nhìn ngành học.

Khi được hỏi về góc nhìn kiến trúc – đô thị, bạn Thế Khang cho biết: “Em đang tìm hiểu chợ Phùng Hưng và tạm gọi đây là ‘không gian không chính quy’, nghĩa là dùng đường để làm chợ. Và theo em, đây là một bản sắc riêng của khu vực – nét sinh hoạt chợ trời ngày xưa của cộng đồng người Hoa. Chợ cũng nằm trên trục các con đường có nhiều di tích, chùa…

Mình cần giữ gìn, bảo tồn và có thể phát triển du lịch như Chinatown vậy nhưng có một số cái chưa đồng bộ như vệ sinh an toàn thực phẩm hay các gian hàng cần được tổ chức lại để nhiều du khách tới đây.”

Ba chung cư trong lòng chợ là chung cư Phùng Hưng, Lão Tử và Nguyễn Trãi có tuổi đời trên 60 năm với lối kiến trúc cũ, cửa lùa. Tên chợ chung cư cũng được người dân quanh đây thuận miệng gọi từ đó.

Tạm biệt chợ Thủ đô với dư vị lâng lâng của cà phê Bà Lù cùng “kho tàng” những câu chuyện kể của các tiểu thương và người dân, tôi không khỏi luyến tiếc không gian trầm mặc, nhẹ nhàng, bình yên và sự dễ gần, mến khách của khu chợ trăm năm.

Chợ Phùng Hưng nếu được các ngành văn hóa, du lịch quy hoạch thì sẽ là một trong những điểm du lịch đặc sắc gắn liền văn hóa, truyền thống của Sài Gòn – Chợ Lớn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *