Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan: Một phong cách ca diễn riêng

Từ lúc thiếu thời, Phượng Loan đã sớm bộc lộ tài năng ca hát. Ngay từ khi còn là học sinh tiểu học, dường như, Phượng Loan mê văn nghệ hơn mê học. Đặc biệt, khi làm quen với cải lương, NSƯT Phượng Loan chuyên hát giả kép và thành công với nhiều vai kép võ.

Nhiều vai diễn ấn tượng trong lòng khán giả miền Tây

NSƯT Phượng Loan tên thật là Đặng Thị Phượng Loan, SN 1966, tại quận 3, TP.HCM. Năm 10 tuổi, Phượng Loan học ca với nhạc sĩ Hoàng Nô; 13 tuổi đi hát cải lương. Đó là thời điểm những năm đầu sau 30-4-1975, Phượng Loan đầu quân vào Đoàn Cải lương Xuân Mới (1979-1981). Lúc đó, diễn viên của đoàn là các bé gái tuổi từ 11-13 nên chủ trương của trưởng đoàn là không nhận bé trai. Đến khi thiếu kép để đóng vai Trần Quốc Toản trong vở Trần Quốc Toản ra quân, Phượng Loan được giao giả làm kép để thủ vai này tạm thời, sau đó sẽ trở lại hát đào thương.

Khi ra mắt vở Trần Quốc Toản ra quân, Phượng Loan không những đóng tròn vai mà ca diễn chững chạc, dáng vóc, điệu bộ rất oai phong của con nhà võ tướng. Sau đó, ông bầu và tập thể giao cho Phượng Loan những vai kép võ. Những vai kép võ tiêu biểu thời đó như Vương Tá trong Cánh tay Vương Tá, Trần Nguyên Hãn trong Rừng thần, Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh, Trần Bình Trọng trong vở cùng tên,…

Hơn 2 năm thử nghề, mẹ của Phượng Loan không cho đi hát nữa vì thấy tập tuồng, đi diễn vất vả mà tiền bạc thì chẳng được bao nhiêu. Sau đó, Phượng Loan về phụ bán cà phê với gia đình.

Nhưng có lẽ, Phượng Loan có duyên và vương mang nghiệp Tổ nên trở lại với sân khấu cải lương chuyên nghiệp. Lần này, Phượng Loan vào Đoàn Cải lương Tinh Hoa của bầu Cơ và hát đào ba, rồi đào nhì, dần dần được nâng lên đào chánh và hát đúp vai nghệ sĩ (NS) Kim Thoa, đóng chánh với NS Ngân Giang và Chiêu Hùng (1983-1986). Nhưng trên sân khấu này, Phượng Loan không tạo dấu ấn gì đáng kể với khán giả.

Thế rồi, cô phải trải qua các đoàn Cải lương Tháp Mười A, Cao Nguyên, Cam Ranh, Trung Hiếu (năm 1988) với những vai đào nhì không mấy ấn tượng… Mãi đến khi về Đoàn Cải lương Long An, Phượng Loan mới bắt đầu tạo được tên tuổi từ những vai đào thương chánh. Đây là lúc cô khá vững ca diễn.

Tại sân khấu Long An, Phượng Loan để lại 3 vai tiêu biểu: Lụa trong Lời nói dối cuối cùng, Trang trong Trà Hoa Nữ và Phương Tâm trong Hãy yêu nhau thật lòng (đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – 1990). Năm 1991, Phượng Loan về Đoàn Cải lương Sông Hậu I, rồi Đoàn Tây Đô – Cần Thơ (1993-1995), hát chánh với NSƯT Trọng Hữu.

Hơn 2 năm trên sân khấu Tây Đô, NSƯT Phượng Loan có nhiều vai để lại cảm tình với khán giả miền Tây, nhưng đáng kể nhất là Dạ Hương trong Loài hoa không tên. Đây là vở diễn ăn khách khá lâu vào thời đó và vai này giúp Phượng Loan đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – 1995; đồng thời, cô đoạt luôn giải Diễn viên tài sắc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – 1995 do Hội Sân khấu Việt Nam trao tặng.

Những năm sau đó (1986-1998), NSƯT Phượng Loan về hát chánh cho Đoàn Văn công TP.HCM, trong đó, có 2 vai được khán giả biết đến nhiều nhất là Thủy trong Ai giết tình em và Khanh trong Không là cát bụi. Thời kỳ này, cải lương không chỉ ở TP.HCM mà cục diện chung cả nước đều gặp khó khăn. Sau đó, NSƯT Phượng Loan được Đoàn Cải lương Tây Đô – Cần Thơ mời trở lại hát đào chánh với NSƯT Minh Vương (1999-2002). Sự trở lại lần này của Phượng Loan đã để lại cho khán giả Tây Đô thêm một dấu ấn với 3 vai nổi bật: A Mi La trong Công chúa Ba Tư, Hương trong Đứa con không tên, Thơm trong Huyền thoại một tình yêu. Trong đó, Phượng Loan đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc – 2000 với vai Thơm.

Sau đó, Phượng Loan rời Tây Đô về cộng tác cho Nhà hát Trần Hữu Trang từ năm 2002-2004. Lúc này, nhà hát chỉ dựng lại những vở cũ nên Phượng Loan không có vai ấn tượng tiêu biểu. Từ sau năm 2004, Phượng Loan cộng tác cho Câu lạc bộ Cải lương Thể nghiệm của Hội Sân khấu TP.HCM và Đài HTV với nhiều vở và chương trình Vầng trăng cổ nhạc, chuyên đề Vọng cổ,…

Giai đoạn này, Phượng Loan có vai Bà giáo Dung trong Nước mắt thâm tình và Đặng Huệ Phi trong Đêm hội Long Trì. Vở này đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu truyền hình toàn quốc năm 2005. Năm 2008, trong vai Sương Nguyệt Anh, Phượng Loan cùng ê-kíp thực hiện vở cải lương Sương Nguyệt Anh của tác giả Linh Huyền cũng đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu truyền hình toàn quốc. Năm 2007, Phượng Loan được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Một cô đào thương đa năng

NSƯT Phượng Loan lớn lên trong nghề bằng chính mình. Nữ NS học từ những nghệ sĩ đi trước, các đạo diễn, bạn diễn,… Những “tinh hoa” ấy được chắt chiu, hình thành cho Phượng Loan một phong cách ca diễn riêng. Một đào thương đa năng cả 2 thể tài sân khấu màu sắc và tâm lý xã hội. Có thể thấy, những vai màu sắc hương xa hoặc dã sử như A Mi La và Đặng Huệ Phi,… là nhân vật có tầm cỡ, thuộc hàng hoàng tộc quý phái, sang trọng và tính cách không kém phần phức tạp nhưng Phượng Loan vào vai diễn một cách bản lĩnh.

Nếu A Mi La kiều diễm mang nỗi niềm trắc ẩn, Phượng Loan có lối diễn đằm thắm để đi vào chiều sâu tâm trạng nhân vật thì với Huệ Phi, Phượng Loan lại càng bản lĩnh hơn, từ phát âm gằn giọng, đôi mắt sắc bén với những cái nhìn như xoáy tim người và ca như nói để thể hiện tính cách sắc sảo của một bà thứ phi. Ở những vai tâm lý xã hội, trong khá nhiều vai, Phượng Loan đã lột tả nhân vật một cách thấu đáo và tinh tế hơn. Phương Tâm, Dạ Hương, Hương và Thơm là những dấu ấn in đậm về tính nhân văn trong vai diễn của NSƯT Phượng Loan, nghĩa là đem tình cảm của mình vào để biểu đạt qua nhân vật với những câu chuyện tình yêu và số phận.

Dường như mỗi nhân vật do Phượng Loan thủ diễn, tâm lý và tính cách đều đa chiều, có những nỗi nghiệt ngã khác nhau: Một Phương Tâm khát khao tình yêu chân chính của thời hiện đại, bất chấp mọi tiền tài, mưu mô, cám dỗ,… vượt bao gian khổ để tìm đến tình yêu đích thực; một ca sĩ Dạ Hương trong bối cảnh giao thời để đối thoại từ tình yêu trong cuộc chiến hôm qua và hiện tại; rồi Hương trong một cuộc đời và số phận đầy những long đong; một cô nữ giao liên cách mạng Thơm thủy chung chờ chàng trai bộ đội đã cùng thề hẹn ngày đất nước hòa bình,… Những nỗi niềm, tâm trạng và cả sự vượt lên số phận của các nhân vật được NSƯT Phượng Loan tái hiện, khắc họa một cách tinh tế bằng tài năng ca diễn.

Phượng Loan có lối diễn trầm tĩnh, không ồn ào hay “bốc” mà là những chiều sâu mang đầy cảm xúc. Phượng Loan cũng ít dùng đến ngoại hình hay phong thái đi đứng với những hành động bên ngoài để miêu tả nhân vật mà biểu diễn cảm xúc nội tâm là chính. Có lẽ, thế mạnh của Phượng Loan là cách biểu đạt đôi mắt, lúc trữ tình, giận dữ, sầu thảm, suy tư,… Phượng Loan diễn tả ánh mắt thay lời. Ngay cả khi ca, ánh mắt kết hợp tâm trạng ca mà bộc lộ nội tâm nhân vật, khiến người xem như thấy nhân vật đang sống trước mắt mình.

Thiên phú cho NSƯT Phượng Loan có làn hơi, chất giọng mùi, vốn âm giọng chứa chất bi nhiều hơn hùng nên ngữ điệu ca nói hay ca ngâm đều mùi mẫn, buồn dào dạt và xúc cảm hơn là trữ tình, thanh thoát. Nếu nói về ngữ âm thì Phượng Loan có hơi giọng Thổ pha Kim. Hơi – giọng của Phượng Loan thừa hưởng 2 âm giọng của NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Ngọc Hương. Nhưng âm giọng của Phượng Loan thường ở mức Thổ đầy hơn nên âm sắc buồn và mùi hơn, lại có kỹ thuật ngân giọng riêng (kỹ thuật thanh đới). Không quan trọng thanh điệu nào để nhấn và luyến, Phượng Loan chỉ nhấn trọng âm bất cứ dấu nào (dù huyền hay sắc, hỏi) ở những ca từ mang ý nghĩa cảm xúc hoặc biểu đạt tính hùng, bi, tự sự trong câu ca mà thôi. Khi cần thiết, những ca từ cất giọng cấn lên, hoặc nhấn để luyến tạo sắc thái lạc quan, trữ tình thì Phượng Loan mới ca phong cách này.

Nói chung, giọng ca của NSƯT Phượng Loan lúc nào cũng mang một tâm sự, cô ca trong trạng thái của kịch, ngân nga biểu đạt lúc nào cũng dào dạt âm sắc buồn buồn; hay nói cách khác, kiểu ca như thế là tính ca kịch, tức trong ca có kịch và trong kịch được thể hiện qua giọng ca. Có lẽ, nhờ đặc điểm đó mà các vai diễn nêu trên mang phong cách nghệ thuật riêng của Phượng Loan.

Từ năm 2004, NSƯT Phượng Loan rời Nhà hát Trần Hữu Trang, hoạt động độc lập cho đến nay. Ngoài cộng tác cho các đài và hãng dĩa, hát show ở nhiều tỉnh, Phượng Loan còn tham gia công tác từ thiện – xã hội,… Điều đáng quý ở NSƯT Phượng Loan là lòng nhiệt tình với nghề, sống bình dị, hài hòa với đồng nghiệp. Nữ NS để lại dấu ấn trong lòng khán giả không chỉ bởi những vai diễn với tài năng nghệ thuật mà còn là một NS cải lương giàu lòng nhân ái./.

TS. Đỗ Quốc Dũng 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *