ANTD.VN – Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện trình diễn phẫu thuật cấy ốc tai điện tử phức tạp tại Hội nghị Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ Đông Nam Á lần thứ 20.
Trưa 14/10, tại BVĐK Tâm Anh đã diễn ra ca phẫu thuật trình diễn mổ nội soi tai EES, chỉnh hình thượng nhĩ cho bệnh nhân nữ (41 tuổi) bị Cholesteatoma thượng nhĩ.
Đây là bệnh lý phức tạp và thường khó phát hiện. Bệnh có thể gây ù tai, nghe kém, nếu không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như nhiễm trùng, tiết dịch, giảm sức nghe, thậm chí áp xe não, viêm tiền đình.
Ekip ứng dụng dàn thiết bị nội soi 4K Karl Storz với độ nét và tính linh hoạt bậc nhất điều trị cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh |
Ca mổ do ekip phẫu thuật Khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh Hà Nội thực hiện cùng sự tham gia của Giáo sư Michael Tong (Hong Kong).
Phẫu thuật tiến hành trong phòng mổ vô trùng Hybrid, với sự hỗ trợ của dàn thiết bị nội soi 4K Karl Storz với độ nét và tính linh hoạt bậc nhất hiện nay, kết hợp hệ thống định vị 3D và bộ dụng cụ vi phẫu tai để tiếp cận tổn thương chính xác, hạn chế tối đa tai biến.
Ca phẫu thuật kết thúc sau 2 giờ, người bệnh được chuyển vào phòng theo dõi sau mổ, sức khỏe ổn định.
Ca phẫu thuật được thực hiện tại phòng mổ Hybrid hiện đại của BVĐK Tâm Anh. |
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, phẫu thuật nội soi EES là phương pháp điều trị ít xâm lấn, đường mổ rất nhỏ, độ an toàn và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn so với mổ mở truyền thống.
Trước đó, tại Hội nghị, ca phẫu thuật trình diễn cấy điện cực ốc tai, nằm trong khóa đào tạo phẫu thuật tai nâng cao (AES) đã được thực hiện bởi ekip phẫu thuật BVĐK Tâm Anh Hà Nội và Giáo sư Lokman Saim (Malaysia). Bệnh nhi 15 tháng tuổi, bị điếc bẩm sinh hai bên, có cha mẹ bị câm điếc, được bác sĩ cấy ốc tai điện tử để kích thích thần kinh thính giác, phục hồi chức năng nghe và cảm nhận âm thanh.
Cấy ốc tai điện tử là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp nhất của chuyên ngành phẫu thuật tai. Phương pháp đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về phẫu thuật viên và máy móc hỗ trợ bởi khu vực ốc tai rất nhỏ, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh.
Phòng mổ cần phải được đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tích hợp sẵn nhiều thiết bị hiện đại phục vụ tốt nhất cho ca mổ như kính hiển vi thế hệ mới, hệ thống máy thăm dò dây thần kinh, đặc biệt là máy chụp X-quang C-arm ngay trên bàn mổ – một thiết bị quan trọng hỗ trợ bác sĩ kiểm tra chính xác vị trí đặt điện cực.
“Hai kỹ thuật được lựa chọn mổ trình diễn đều là những phẫu thuật rất mới và hiện đại trên thế giới. BVĐK Tâm Anh với nền tảng vững chắc về chuyên môn bác sĩ và hệ thống trang thiết bị gồm những máy móc tốt nhất, do đó được các Hiệp hội tin tưởng lựa chọn thực hiện trình diễn các ca phẫu thuật tai phức tạp”, PGS Kỳ nhấn mạnh.
Hội nghị Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ Đông Nam Á lần thứ 20 kết hợp Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ toàn quốc lần thứ 26 chính thức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-15/10. Hội nghị với chủ đề “Liên hiệp Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á kết nối và thành công”, do Hội Tai Mũi Họng Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức.
Hội nghị thu hút hơn 2000 diễn giả là các giáo sư, nhà nghiên cứu và bác sĩ Tai Mũi Họng hàng đầu đến từ Đông Nam Á, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và hơn 1500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
PGS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai mũi họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội tại hội nghị. |
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, 2 Phiên toàn thể, 38 Phiên khoa học, 6 Hội thảo chuyên đề cùng hàng trăm báo cáo khoa học và báo tường được giới thiệu và phân tích sâu rộng từ nghiên cứu tới thực tế khám và điều trị.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TPHCM, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Chủ tịch đắc cử Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á cho biết, đây là lần đầu tiên sau đại dịch Covid-19, đông đảo các chuyên gia, bác sĩ, các nhà nghiên cứu hàng đầu tới từ các nước trên thế giới, các nước Đông Nam Á và Việt Nam gặp gỡ, chia sẻ kiến thức cập nhật, kinh nghiệm thực tiễn trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tai mũi họng.
Đây đồng thời là cơ hội lớn cho bác sĩ trong nước tiếp cận những kiến thức, công nghệ mới nhất của chuyên ngành tai mũi họng, do các giáo sư đầu ngành từ Mỹ, Australia, Pháp… mang đến.