Xín Mần vượt chỉ tiêu đào tạo nghề

11:14, 13/10/2023

BHG – Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Xín Mần đã được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được những kết quả nhất định, chất lượng và hiệu quả sau đào tạo tăng dần; cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nhận thức của người dân cũng được nâng lên.

Năm nay, huyện Xín Mần được giao 65 lớp đào tạo nghề với hơn 2.200 chỉ tiêu, trong đó có 31 lớp đặt hàng đào tạo với hơn 1 nghìn chỉ tiêu; 33 lớp đào tạo thường xuyên và đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu. Từ đầu năm đến nay, huyện đã khai giảng 51 lớp nghề với 1.775 học viên đạt 334,9% kế hoạch tỉnh giao (kế hoạch tỉnh giao 530 chỉ tiêu) và đạt gần 80% kế hoạch của huyện. Giải quyết việc làm mới cho 1.819 lao động/3.500 chỉ tiêu đạt 60,63% kế hoạch. Trong đó, giải quyết việc làm tại chỗ và lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh được 243 lao động; lao động đi làm việc ngoài tỉnh 1.573 người; có 3 lao động đi làm tại các thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Qua rà soát, lao động sau khi học nghề nông nghiệp có việc làm mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng; lao động nghề phi nông nghiệp có mức thu nhập từ 8 – 10 triệu đồng/người/tháng; một số lao động làm công việc nặng, đòi hỏi kỹ thuật cao mức thu nhập bình quân trên 20 triệu đồng/tháng. Phòng Lao động – TB&XH phối hợp với các đơn vị theo dõi giải quyết, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 8.716 triệu đồng cho 108 dự án hỗ trợ giải quyết việc làm cho 108 lao động.



Lớp may trang phục truyền thống dân tộc Phù Lá xã Nàn Xỉn.
Lớp may trang phục truyền thống dân tộc Phù Lá xã Nàn Xỉn.

Để đạt được những kết quả quan trọng, ngay sau khi được giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Phòng Lao động – TB&XH đã hướng dẫn cho các xã, thị trấn đăng ký nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động theo định hướng phát triển KT – XH gắn với giải quyết việc làm, các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị đã tham mưu tổ chức Hội chợ việc làm cấp huyện với 21 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và gần 2.000 lao động, đoàn viên, thanh niên trong huyện tìm hiểu thông tin, thị trường lao động. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, Công ty TNHH Hợp tác Giáo dục Quốc tế Thời đại mới – Chi nhánh miền Bắc, Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người lao động làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động với 30 hội nghị tại 17 xã, thị trấn cho trên 1.800 lượt người trong độ tuổi từ 18 – 45 và học sinh khối lớp 12 tại các trường THPT. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm, chính sách hỗ trợ cho lao động với 162 panô tại thôn và trung tâm các xã, thị trấn. Tổ chức 18 buổi tuyên truyền lưu động với hình thức sân khấu hóa tại các phiên chợ. Qua đó, giúp nhân dân, người lao động hiểu rõ hơn về công tác đào tạo nghề và chủ trương, định hướng liên kết giải quyết việc làm với các đơn vị đã ký kết, đảm bảo an toàn, quyền lợi khi đi lao động ngoài tỉnh.

Huyện Xín Mần hiện có gần 15 nghìn hộ dân với trên 71 nghìn người, trong đó có gần 7,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,75%; hộ cận nghèo chiếm hơn 14% và có trên 42 nghìn người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng gần 60% tổng dân số. Đa số người lao động sinh sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, chiếm khoảng 75% số lao động trong độ tuổi lao động. Có hơn 5 nghìn lao động làm việc thuộc các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp, xây dựng trong và ngoài tỉnh. Những năm qua, Phòng Lao động – TB&XH đã tham mưu triển khai thực hiện các nội dung huyện đã ký kết quy chế phối hợp với các trường Cao đẳng nghề qua các hoạt động tuyên truyền tư vấn trực tiếp, pano, thông báo tuyển sinh của các trường (tập trung vào đối tượng học sinh khối lớp 9 và khối lớp 12). Tính đến nay, đã có 65 lao động địa phương đang học tập tại Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam.

Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, hiệu quả. Hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần hình thành ý thức, kỹ năng và tác phong làm việc của lao động theo hướng công nghiệp. Từ đó, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: Văn Long

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *