Em kể anh nghe – Binh Phuoc, Tin tuc Binh Phuoc, Tin mới tỉnh Bình Phước

Trương Thúy

BPO – Hôm nay, hãy để em kể anh nghe chuyện tình yêu của ông bà mình, anh nhé. Một câu chuyện tình dài hơn 70 năm. Cho đến lúc mắt đã mờ, chân đã run, ông bà vẫn sớm tối bên nhau.

Anh biết không, ngày còn thơ hay quẩn quanh bên bà, em vẫn thường nghe bà kể, cho đến ngày rước dâu, bà mới biết mặt chồng. Bà cười bảo cái thời ấy cha mẹ hứa gả, sắp đặt là chuyện bình thường. Năm đó, bà còn chưa mười tám, ông thì đôi mươi vừa tới. Và bà đi làm dâu như một lẽ thường tình…

Ông thương bà lắm, thương từ mái tóc thương đi. Mái tóc dài quá gối, đen mượt luôn được bà vấn gọn lên, chỉ khi gội đầu bà mới buông tóc hong khô. Bởi vậy, ông hay ngồi ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi lần bà gội đầu bên bờ giếng. Ông cũng thường hái hương nhu, lá bưởi, lá sả để bà nấu nước gội đầu. Em cứ ngỡ, mấy bức tranh tái hiện cuộc sống ngày xưa với hình ảnh chồng cầm gáo dừa múc nước cho vợ gội đầu là chuyện ông bà mình trong đó đấy anh!

Bà chưa kịp sinh đứa con đầu lòng thì ông lên đường nhập ngũ. Trong khi ông lo lắng bà ở nhà sẽ vất vả ngược xuôi, bà vững vàng động viên ông “chân cứng đá mềm”, nhớ đường đi, đường về thì vất vả mấy bà cũng không quản ngại. Ông dặn dò, khi sinh con, dù trai hay gái hãy đặt tên là Khải (nghĩa là vui mừng, hân hoan) và ông sẽ trở về…

Ngày ông trở về, bác Khải đã tròn 2 tuổi, bà cũng mặn mà hơn và mái tóc vẫn như xưa. Ông về mang theo một người con nữa giao cho bà rồi lại vội vàng ra chiến trường. Đó là con một người anh, một người đồng đội của ông vừa hy sinh mà cả nhà cũng không còn ai nữa. Bà không một lời than hay trách móc mà luôn cố gắng thay ông gánh vác việc nhà, lo cho mẹ cha, chăm chút những đứa con thơ dại. Con nuôi, con đẻ bà không bao giờ so sánh thiệt hơn.

Ngày đất nước hòa bình, ông về hẳn bên bà, đã thấy có 3 đứa con cả thảy. Bà kể, hôm đi gánh nước, nghe tiếng khóc trẻ thơ ở bờ tre gần đó, bà chẳng đành nên mang đứa trẻ còn đỏ hỏn về nuôi, nay đã chẵn 3 năm. Ông gật đầu, thôi cứ cố gắng chăm, một lần sinh mà cũng 3 con rồi đó. 

Đến khi em biết quẩn quanh bên bà, ông bà đã có 8 người con, anh ạ. Các bác, các cô cũng đã có gia đình riêng hết cả rồi. Ông bà lớn tuổi, vẫn sớm tối bên nhau. Em chưa thấy một lần ông bà bất hòa hay lạnh nhạt, như kiểu của chúng ta đụng chút giận dỗi, đôi co. Ông thường dạy các con: “Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”, cứ bao dung, trên kính dưới nhường thì không thương sao được. Nghe vậy, bà giấu nụ cười bên đĩa trầu cánh phượng đang têm…

Về già, ông bà vẫn sớm tối bên nhau, cứ thủ thỉ, tỉ tê mọi chuyện, anh ạ. Chúng ta cũng cố gắng được như thế anh nha. Chứ nhiều khi nằm cùng một giường, ăn cùng một mâm nhưng vì giận hờn mà mỗi người quay một hướng, buồn phải không anh?

Anh còn nhớ cách đây 3 năm, trước phút giây từ giã cõi đời, bà cầm tay ông nhưng không nói gì. Em chỉ thấy ông khẽ gật đầu, vỗ nhè nhẹ lên bàn tay bà. Phải chăng ông đang hứa hẹn điều gì? Năm nay, ông đã 94 tuổi, tai nghe không rõ nhưng mỗi lần về thăm, em thường thấy ông ngồi trước di ảnh của bà thầm thì những điều gì đó. Có lẽ chỉ bà mới hiểu phải không anh?

Anh ạ! Em chẳng mong mình được như ông bà, sống trọn bên nhau đến răng long đầu bạc, chỉ mong chừng nào mình còn hơi thở, còn thương.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *