Theo đó, sáng 8/10, UBND huyện Thanh Chương họp khẩn, sau khi phát hiện xác con voi đực đang phân hủy trong rừng. Cuộc họp do ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện chủ trì, với sự tham dự của nhiều ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn như ngành Kiểm lâm, Công an, chính quyền xã Thanh Đức…
Được biết, xác con voi rừng này được công nhân cao su phát hiện vào sáng 07/10, tại cánh rừng cao su trên địa bàn xã Hạnh Lâm. Qua nhận định ban đầu, con voi có thể đã tử vong từ khoảng hơn 1 tuần trước, thời điểm trên địa bàn đang xảy ra mưa lũ lớn. Cặp ngà dài khoảng 35cm của con voi vẫn còn nguyên. Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng chưa phát hiện dấu hiệu con voi bị bắn. Tuy nhiên, tại hiện trường có dấu hiệu cây cối ngã rạp, mặt đất có nhiều dấu vết cho thấy con voi này có thể đã vật lộn trong đau đớn trước khi chết.
Theo ông Trần Xuân Trường, Giám đôc Vườn Quốc Gia Pù Mát, đây là một trong 2 con đực thuộc đàn voi 8 con vẫn thường sinh sống ở Vườn quốc gia Pù Mát và vùng đệm. Trong đó, con voi tử vong là voi đực nhỏ hơn trong đàn. Có thể do xung đột và thất bại với con voi đực còn lại trong đàn nên khoảng 2-3 năm nay, nó tách đàn, di chuyển đến những cánh rừng ở huyện Thanh Chương, giáp ranh với Vườn quốc gia Pù Mát sống trong cô độc.
Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương, cho hay: “Hôm qua, dù mưa lớn những nhiều đơn vị cũng đã băng rừng, vào hiện trường nơi phát hiện xác voi để khoanh vùng, khám nghiệm hiện trường. Cuộc họp sáng ngày 08/10 là nhằm nghe báo cáo kết quả khám nghiệm ban đầu, xin ý kiến chỉ đạo. Cuộc họp cũng sẽ bàn về các giải pháp xử lý xác voi rừng để không ảnh hưởng đến môi trường cũng như tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn tới cái chết của con voi này”.
Được biết, theo thống kê của Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An có khoảng 13 đến 15 con voi rừng, là địa phương có số lượng voi rừng đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Đắk Lắk và Đồng Nai). Trong số này, có 11 đến 13 con sống trong khu vực Vườn quốc gia Pù Mát. Hai con còn lại, gồm 1 con voi cái sống đơn độc tại khu vực 2 xã Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp và 1 con voi cái khác ở xã Châu Phong, Châu Hạnh thuộc huyện Quỳ Châu.
Trong số các đàn voi, chỉ còn duy nhất đàn voi thường sinh sống ở Cao Vều, huyện Anh Sơn còn có khả năng phát triển vì có voi đực. 12 năm trước, cũng tại đàn voi này, con voi đực đầu đàn to lớn, với cặp ngà cong vút bị kẻ xấu sát hạt để cưa trộm ngà. Kể từ đó, một con voi cái trở thành đầu đàn, đàn voi này trở nên hung dữ hơn, thường xuyên xung đột với con người. Trong thời gian ngắn, 2 người bị voi quật chết, nhiều người khác bị thương. Nhiều tài sản, hoa màu bị đàn voi rừng phá hoại.
Đây đã là con voi thứ 2 ở Nghệ An bị chết kể từ đầu năm. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, tại xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu), người dân cũng phát hiện xác con voi cái ở trong rừng. Đây là voi mẹ trong đàn voi chỉ còn sót lại 2 con, trước khi chết thường xuyên về khu dân cư tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu.
Dù vẫn còn khá nhiều đàn voi tự nhiên, nhưng phần lớn các đàn voi ở Nghệ An lại là đàn voi đơn lẻ, không còn khả năng phát triển. Nhiều con voi cái sống đơn độc suốt hàng chục năm qua, thường xuyên về khu dân cư tàn phá hoa màu, xung đột với con người. Nếu không có các biện pháp để sáp nhập với đàn khác, những đàn voi này sẽ dần bị xóa sổ theo thời gian.