Nghề và làng nghề: Quảng Ninh có gì?

Quảng Ninh được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, nơi người Việt cổ sinh sống cách ngày nay hàng ngàn năm, gắn bó với biển, sống dựa vào biển. Quảng Ninh còn là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển đã hơn 1 thế kỷ. Đó là một trong các yếu tố quan trọng cho việc ra đời, hình thành các nghề thủ công, làng nghề truyền thống.

Nghề thủ công, làng nghề truyền thống giờ đây đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Đơn giản bởi rất nhiều trong số các làng nghề truyền thống đã và đang là điểm du lịch hấp dẫn dọc trong Nam ngoài Bắc. Đơn cử như đến Bến Tre, du khách hẳn biết đến khu du lịch cồn Phụng. Ngoài chèo xuồng dọc ngang các kênh rạch, ngắm miệt vườn, du khách còn được tham quan và trải nghiệm làm kẹo dừa, kẹo kéo. Tại Quảng Nam, du khách có điểm tham quan, trải nghiệm làm nông dân ở làng nghề trồng rau Trà Quế, xem và tự tay chế tác đèn lồng ở phố cổ Hội An. Ở phía Bắc, từ lâu làng nghề gốm Bát Tràng đã là điểm tham quan, trải nghiệm làm đồ gốm cho du khách mọi lứa tuổi…

Tiếp nhận xu hướng và nhu cầu của du khách, những năm qua, một số điểm du lịch của Quảng Ninh cũng đã phát triển theo hướng này. Đơn cử như ở Quảng Yên có Công ty Song Hành mấy năm trước đã tổ chức cho du khách, nhất là đối tượng học sinh trải nghiệm làm nông dân trồng và thu hoạch rau ở làng trồng rau Tiền An. Làng Hưng Học, phường Nam Hoà tổ chức cho du khách tập đan ngư cụ. Tại Đông Triều, một số công ty sản xuất gốm đã tổ chức cho du khách tham quan, trải nghiệm làm đồ gốm. Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương đã tổ chức cho du khách tour trải nghiệm làm nông dân trồng rau, tát nước, bắt cá, đan chổi, gặt lúa – vốn là những việc thường ngày của vùng nông thôn Đông Triều. Một số địa phương khác như ở huyện Cô Tô, phường Trà Cổ (Móng Cái) hay xã Quan Lạn, Ngọc Vừng, Vạn Yên (Vân Đồn) có các dịch vụ một ngày làm ngư dân cho du khách trải nghiệm các công việc, nghề truyền thống quen thuộc của ngư dân làng biển, trải nghiệm thu hoạch cam của nông dân.

Tuy nhiên, có thể thấy những dịch vụ trên cơ bản chỉ là tự phát, là ý tưởng của bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã hay hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, chứ chưa được tổ chức bài bản, có sự định hướng thành một kế hoạch, chương trình lâu dài, bền vững. Thực tế tại các làng nghề truyền thống trong nước cho thấy, để các nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy giá trị thì việc quy hoạch, xây dựng các làng nghề có vai trò quan trọng, kế đến là định hướng, phát triển các làng nghề trở thành các điểm đến du lịch. Một yếu tố vô cùng quan trọng nữa đó là các làng nghề truyền thống phải có đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Kẹo dừa Bến Tre, gốm Bát Tràng được phân phối, tiêu thụ trên khắp cả nước, ra cả nước ngoài. Trong khi đó, do các yêu cầu, quy định về đánh bắt hải sản ngày càng siết chặt, do sự ra đời của nhiều vật liệu khác bền hơn dẫn tới ngư dân chuyển sang dùng thuyền to, thuyền bằng composite thay vì thuyền nan nên các sản phẩm thuyền nan và cả ngư cụ của làng nghề đan ngư cụ Hưng Học dù đã được công nhận làng nghề thì vẫn khó tiêu thụ sản phẩm. Từ khó khăn này, nhiều hộ đã chuyển sang những nghề khác cho thu nhập tốt hơn.

Khoảng hơn chục năm về trước, nghề điêu khắc than đá ở Hạ Long – một nghề thủ công ra đời từ hàng chục năm trước ở Vùng mỏ đã rất phát triển, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Tuy nhiên, do thị hiếu của du khách giảm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều người làm nghề do đó đã bỏ tìm việc khác. Giờ thì số người theo đuổi nghề này, duy trì nghề như một nghề gia truyền chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Ngày 25/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 05/2022/TT-BNNPTNT quy định về phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó hướng dẫn các địa phương, ngành ưu tiên xây dựng các mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch và xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trong đó có Quảng Ninh quan tâm hơn nữa đến bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, gắn chặt với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *