Start-up xe điện Rivian được thành lập mang theo kỳ vọng sẽ sản xuất ra những cỗ xe điện đẳng cấp cho người tiêu dùng Mỹ – một mẫu bán tải điện mang cảm giác lái thể thao với danh sách tính năng dài đến chóng mặt.
Các kỹ sư của Rivian đã tạo ra một mẫu xe có bộ khung kim loại lớn để đạt được tiêu chuẩn an toàn cao, kèm đó là hệ thống treo thuộc dạng phức tạp nhất thị trường để mang đến cho khách hàng trải nghiệm êm ái trên đường nhựa và cả khi vượt địa hình. Cỗ xe này có thể đạt 95km/h từ vị trí đứng yên trong khoảng 3 giây – ngang ngửa với nhiều mẫu siêu xe đắt tiền trên thị trường. Khi mang cỗ xe đó đi cắm trại, người dùng xe có thể lấy ra một chiếc đèn pin tích hợp ở cánh cửa, và một cái loa Bluetooth từ khu vực giữa xe.
Tất nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó. Mỗi chiếc xe như vậy, Rivian bán ra trung bình trên 80.000 USD (1,95 tỷ đồng) mỗi chiếc. Không chỉ có giá bán đắt mà chi phí sản xuất cũng cực khủng, tới nỗi trong Quý II/2023, tính trung bình Rivian đã lỗ 33.000 USD (khoảng 800 triệu đồng) cho mỗi chiếc xe bán ra. Với ngần đó tiền tại Mỹ, người tiêu dùng có thể mua được một chiếc Toyota Camry mà vẫn còn thừa tới vài nghìn đô để lắp thêm “đồ chơi”.
Tới nay, mỗi chiếc Rivian bán ra vẫn lỗ khoảng 33.000 USD.
TIỀN TIÊU NHƯ THÁC CHẢY
Nhà đầu tư chồng tiền đống cho Rivian
Khi Rivian bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp xe, giới quan sát ngành xe kỳ vọng Rivian sẽ đánh bại nhiều đối thủ trên thị trường và trở thành “Tesla của dòng bán tải”. Năm 2021, tỷ phú Jeff Bezos (từng được Forbes thống kê là người giàu nhất hành tinh trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) đã từng dẫn dắt Rivian trong một vòng gọi vốn và đã thành công thu về 700 triệu USD.
Hồi mới niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) năm 2021, loạt nhà đầu tư đã chồng một đống tiền cho Rivian, khi start-up này đã kêu gọi được tới 12 tỷ USD tiền mặt và trở thành cú IPO lớn nhất nước Mỹ năm 2022. Với giá trị cổ phiếu “trên mây”, Rivian đã có một khoảng thời gian ngắn vượt giá trị của những trụ cột ngành xe Mỹ là Ford Motor hay General Motors.
Sau 2 năm, Rivian đã đốt một nửa trong khoản 18 tỷ USD tiền mặt, phần lớn trong đó nhằm giúp Rivian vật lộn sản xuất một chiếc xe. Nay, tuy sản xuất đang có tiến triển tốt và lỗ đã giảm, nhưng Rivian vẫn mất rất nhiều tiền khi bán xe. Tại một ngành công nghiệp có biên lợi nhuận mỏng và cạnh tranh lớn, Rivian đã tốn quá nhiều tiền để sản xuất linh kiện và làm quá ít xe để thu tiền về bù chi.
Rivian Amazon Van là mẫu xe giao vận dành riêng cho sàn thương mại điện tử Amazon.
Hiện tại, Rivian đang cung cấp cho khách hàng 3 mẫu xe: Bán tải điện Rivian R1T, SUV điện R1S, và mẫu xe Van giao vận sản xuất riêng cho Amazon (một công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos). Theo dữ liệu của Motor Intelligence, Rivian R1T và R1S có nhiều linh kiện sử dụng chung, chiếm đến 83% doanh số của thương hiệu này trong tháng 8.
Tính đến hết tháng 9, Rivian mới chỉ sản xuất tổng khoảng 65.000 chiếc – một con số rất khiêm tốn khi so với năng lực sản xuất của các nhà sản xuất khác tại Mỹ trong 1 năm. Theo Thời báo phố Wall, ngay cả khi nhà máy Normal ở bang Illinois, Mỹ đã nâng công suất thì vẫn mới chỉ sử dụng khoảng 1/3 công suất nhà máy. Trong năm nay, Rivian đặt mục tiêu sản xuất 52.000 chiếc xe.
Đã cắt giảm, vẫn tiêu 1 tỷ USD mỗi quý
Tính theo giá IPO 78 USD (1,9 triệu đồng), giá cổ phiếu Rivian hiện nay đã giảm khoảng 70%. Nhà sáng lập và CEO RJ Scaringe đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tinh gọn bộ máy sản xuất. Ông cho biết rằng ông đang tập trung giảm mức Rivian chi cho các nhà cung cấp linh kiện, tinh gọn một số khía cạnh thiết kế sản xuất, và tăng công suất sản xuất để tiến tới gần mốc có lời.
Khi Rivian sản xuất được nhiều xe hơn, lỗ ròng đã giảm, nhưng tốc độ chi tiêu vẫn ở mức 1 tỷ USD mỗi quý khi tính đến hết Quý II/2023. Vị CEO của Rivian cho biết rằng hàng tỷ USD mà công ty đã chi ra là phần bắt buộc để phát triển. Rivian cho biết rằng công ty đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có lời từ việc bán xe.
CEO RJ Scaringe cho biết: “Chúng tôi nỗ lực để sản xuất một thứ gì đó thực sự tốt hơn tất cả đối thủ, và một khoản ngân sách có hạn sẽ khiến chúng tôi khó đạt được mục tiêu”.
RJ Scaringe cũng cho biết rằng thiết kế và sản xuất một chiếc xe “có độ cứng của siêu xe” rất tốn kém, nhưng là điều mà khách hàng tìm kiếm trên những mẫu bán tải và SUV của Rivian.
Trên thực tế, rất nhiều nhà sản xuất xe đã vấp ngã khi cố gắng biến một cỗ xe trong tưởng tượng nào đó thành hiện thực và sản xuất đại trà. Hàng tỷ đô của các nhà đầu tư đã đổ vào các start-up như vậy và đã bốc hơi trong những năm gần đây.
CEO RJ Scaringe cho rằng độ cứng chắc của siêu xe là điều khách hàng tìm đến xe của ông. Ảnh: Ryan Garza / Detroit Free Press
Lordstown Motors là một ví dụ khi đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Lucid Group cũng đang gánh những khoản lỗ rất lớn khi hãng cố gắng bán ra được chiếc xe đầu tiên của mình. Fisker cũng mới bắt đầu bán xe nhưng cũng đã nhiều lần phải lùi lịch xuất hiện trên thị trường, và cũng có ý định cắt giảm sản xuất.
Tờ Thời báo phố Wall cho rằng xây dựng nhà máy mới và bắt đầu bán ra một chiếc xe là 2 trong những điều khó khăn nhất với những đơn vị muốn gia nhập ngành công nghiệp xe.
Start-up xe điện Lordstown đã phải đệ đơn phá sản dù từng có General Motors là cổ đông.
Để cắt giảm lỗ, các nhà sản xuất nỗ lực đưa nhà máy hoạt động với tốc độ tối đa càng nhanh càng tốt. Các đơn vị này mất nhiều năm để thiết kế, chế tạo và sản xuất mẫu để có thể tăng công suất chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng.
Nhưng Rivian lại mất một khoảng thời gian lâu bất thường để đưa nhà máy sản xuất ở tốc độ tối đa – trong ngành xe thì thường có nghĩa là vận hành trong 2 ca làm việc liên tiếp.
Theo giám đốc điều hành của đơn vị tư vấn AlixPartners, ông Mark Wakefield: “Bạn nên có khả năng tạo ra tiền sau từ 3 đến 6 tháng. Cho đến khi bạn tăng công suất và dần đi vào ổn định, bạn đang làm ra khá nhiều tiền”.
Thực tế, ngay cả những nhà sản xuất xe lâu đời cũng rất vất vả để cho ra một mẫu xe mới, nhất là khi phải áp dụng các công nghệ mới. Tiêu biểu như General Motors đã rất chậm trong việc đẩy công suất làm xe điện, hay Ford dự kiến sẽ lỗ khoảng 4,5 tỷ USD trong năm nay cho việc sản xuất xe điện. Tuy nhiên, điều mà Rivian không có được là các mảng khác vốn đã sinh lời để giảm bớt tác động khi làm xe điện.
HOẶC TỐT NHẤT, HOẶC KHÔNG LÀ GÌ
Những năm vừa qua đã rất khó khăn đối với CEO RJ Scaringe của Rivian. Ông năm nay khoảng 40 tuổi, thành lập Rivian từ năm 2009 sau khi có bằng Thạc sĩ kỹ sư cơ khí tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Ông đã dành hầu hết thời gian trong 14 năm qua điều hành một nhóm nhỏ.
Trong một buổi hội thảo năm 2009, vị CEO này khẳng định rằng mẫu xe đầu tiên của Rivian phải tốt hơn về mọi mặt so với đối thủ, nếu không sẽ không có ai mua. Ông nói: “[Mẫu xe đầu tiên của Rivian] phải là mẫu bán tải hoặc SUV tốt nhất thế giới. Nó phải thế, vì nếu không, vì sao khách hàng chọn chúng tôi thay vì mua một chiếc của Ford hay BMW?”
Khung gầm kiểu ván trượt [nguyên văn: Skateboard chassis] là bộ khung phía dưới xe, là nơi chứa pin, động cơ điện và các thiết bị điện tử khác.
Rivian đã đặt tham vọng rất cao trong thiết kế chiếc xe. Hệ thống treo cầu kỳ của Rivian có thể nâng hoặc hạ chiều cao của chiếc xe tới hơn 15cm để tối ưu khả năng điều khiển, mang lại sự thoải mái và cân bằng. Các kỹ sư của Rivian đã thiết kế bộ khung kim loại trên khung gầm kiểu ván trượt dày hơn.
Các chuyên gia cho rằng xe của Rivian phức tạp quá mức cần thiết. Ảnh: Ryan Garza / Detroit Free Press
Đã từng có một số công ty tháo tung một chiếc Rivian ra để nghiên cứu, và đưa ra nhận định rằng chiếc xe quá phức tạp. Phần đầu xe sử dụng quá nhiều kim loại so với mức cần thiết, chỉ để chiếc xe ổn định và bảo vệ hành khách tốt hơn. Phần kim loại tăng thêm đó khiến cho chiếc xe này dù nhỏ hơn mẫu bán tải điện cỡ lớn Ford F-150 Lightning nhưng nặng hơn 310kg.
Sản xuất khung gầm kiểu ván trượt cũng rất phức tạp, lớp lớp kim loại chồng lên nhau – theo nhận xét của các nhà phân tích cũng như các kỹ sư và cựu kỹ sư của Rivian. Khung sắt ống thậm chí còn được hàn tới 2 lần: Robot hàn 1 lần, công nhân hàn tay 1 lần nữa. Đôi khi, công nhân lắp ráp còn phải lấy búa gò các chi tiết kim loại để chúng khớp với nhau.
Mẫu SUV Rivian R1S và mẫu bán tải điện R1T dùng chung nhiều linh kiện. Ảnh: MotorTrend
Theo CEO Frank Bunte của đơn vị tư vấn sản xuất A2Mac1 (Pháp), đơn vị đã từng nghiên cứu cách chế tạo của Rivian R1T: “Chế tạo ngay từ những ngày đầu càng phức tạp thì càng khó để tăng sản xuất và đưa xe ra thị trường để mang tiền về”.
CEO RJ Scaringe và Rivian ưu tiên đưa xe vào sản xuất trước khi có lời, và điều này đã gây ra những vấn đề về chi phí sản xuất. Rivian dự định sẽ tối ưu thiết kế chế tạo sau đó. Năm sau, Rivian có kế hoạch giới thiệu về khung gầm kiểu ván trượt đời mới, là một trong những nỗ lực của công ty trong việc tăng công suất sản xuất.
Vị CEO của Rivian cho biết: “Chúng tôi chấp nhận sẽ có nhiều vấn đề ngay từ ngày đầu”. Rivian có khả năng thiết kế lại các khía cạnh quan trọng của chiếc xe ngay sau khi xe đã ra mắt là một trong những điểm mạnh trong cạnh tranh, chứ không phải là một định hướng tốn kém.
Ông cũng cho rằng các lời phê bình khác, như về trọng lượng và độ vững chắc của xe, đều không phù hợp, vì Rivian cố tình chế tạo chiếc xe để có kết quả an toàn vượt trội.
Một yếu tố khác khiến chi phí sản xuất đội lên là công ty cố gắng tự thiết kế và sản xuất linh kiện thay vì mua các linh kiện có sẵn từ các nhà cung cấp mà thường có giá rẻ hơn.
Một trong những thứ Rivian tự chế tạo là ECU – những con chip máy tính nhỏ có khả năng điều khiển các chức năng của xe. Thường, ECU có khả năng xử lý nhiều chức năng khác nhau, từ quản lý pin đến điều khiển tay lái, nhưng Rivian thì lại sản xuất nhiều ECU cho nhiều chức năng khác nhau, cốt để kết hợp chúng lại khi cần rút ngắn thời hạn sản xuất.
Theo nhà phân tích Colin Langan từ Wells Fargo, chi phí sản xuất một chiếc xe của Rivian cao hơn mức trung bình thị trường tới 25.000 USD (610 triệu đồng). Thậm chí, trong một báo cáo của Rivian còn cho thấy Quý IV/2021 đã từng lỗ tới hơn 400.000 USD (9,7 tỷ đồng) cho mỗi chiếc xe. Khoản lỗ này tương đương giá trị một chiếc Rolls-Royce Ghost mới tại Mỹ.
Rivian đã từng lỗ hơn 400.000 USD mỗi xe bán ra hồi cuối năm 2021. Nguồn dữ liệu: Rivian; đồ họa: The Wall Street Journal
Rivian đối mặt với khó khăn đó, kết hợp với những lúc phải đóng cửa nhà máy khi đại dịch xảy ra, và cả vấn đề về chuỗi cung ứng về chip bán dẫn và liti làm pin xe điện mà đã đội chi phí sản xuất và kéo giãn thời gian sản xuất xe. Rivian cũng đã liên tiếp cho ra 3 mẫu xe, càng khiến cho hãng khó giải quyết các vấn đề trong sản xuất của mình.
Những kỹ sư từng làm việc tại Rivian cho biết quy trình giải quyết vấn đề và cắt giảm chi phí sản xuất rất loạn. Họ cho rằng CEO RJ Scaringe và các giám đốc cấp cao khác nhất quyết không nghe gợi ý loại bỏ các chi tiết không thiết yếu như đèn pin gắn cửa xe hay loa Bluetooth tích hợp trên xe.
Theo RJ Scaringe thì những thay đổi đó không giúp gì nhiều, và công ty thì cũng đã có những tiến bộ nhất định trong việc đạt mục tiêu cắt giảm chi phí sản xuất.
Rivian cũng cho biết rằng họ đang có những tiến triển trong việc đàm phán lại với các nhà cung cấp mà đã ký hợp đồng từ năm 2018 và 2019 với mức giá trên ngưỡng thị trường. Trong một buổi gặp với nhà cung cấp, CEO RJ Scaringe kể: “Tôi đứng trên bục và nói, phía các bạn đang bán cho chúng tôi đắt hơn 41% thị trường”. Hoặc giảm giá, hoặc Rivian sẽ đi tìm nhà cung cấp khác – vị CEO này cho biết.
Công nhân đang xếp tấm khung thân của Rivian R1T. Ảnh: KAMIL KRZACZYNSKI/REUTERS
Sau cùng, Rivian đã thúc ép các kỹ sư của họ phải cắt giảm 40.000 USD trong chi phí linh kiện và sản xuất. Rivian thì từ chối nói về mục tiêu cắt giảm, nhưng Scaringe cho biết là công ty không cần phải đạt bất cứ mục tiêu nào để đạt lãi ròng cho tới năm sau.
Nhà phân tích Colin Langan từ Wells Fargo cho rằng ông tin Rivian sẽ phải cắt giảm chi phí sản xuất và nâng giá sản phẩm để có thể đạt mục tiêu, nhưng điều này hiện đang rất khó để thực hiện. Ông nhận định rằng Rivian có thể sẽ phải bán xe ở mức giá trung bình 96.000 USD (2,34 tỷ đồng) mỗi chiếc và cố gắng để nhà máy chạy ở công suất tối đa.
Năm ngoái, một số phiên bản xe của Rivian đã tăng giá 20%. Trong khi đó, nhiều đối thủ của Rivian như Tesla cũng đã cắt giảm mạnh giá xe.
CÂU HỎI VỀ SỰ TỒN TẠI?
Rivian thực ra cũng có một số thành công nhất định. Rivian là đơn vị đầu tiên trên thế giới sản xuất xe bán tải điện; khách hàng, giới review cũng đã dành nhiều lời khen cho các tính năng và khả năng chạy của chiếc xe.
Chuyên trang MotorTrend đã từng mô tả Rivian R1T là “chiếc bán tải ấn tượng nhất mà chúng tôi từng cầm lái”, và cho tới tháng 11 năm ngoái, Rivian đã có khoảng 114.000 đơn đặt cọc. Hiện tại, Rivian đã không còn công bố số lượng đặt cọc vì, theo Rivian, đó không còn là một thước đo nhu cầu nữa, giờ công ty cần sản xuất nhiều xe hơn.
Doanh số trong Quý II/2023 đã tăng 60%, doanh thu tăng 69% lên 1,1 tỷ USD giúp cắt giảm mức lỗ tính trên đầu xe bán ra.
Cho tới nay, Rivian không còn là thương hiệu duy nhất bán xe tải điện, và đã bắt đầu có dấu hiệu giảm nhu cầu. Tuy có năng lực sản xuất hạn chế, Rivian lại có rất nhiều tùy chọn cho khách hàng lựa chọn.
Rivian đã áp dụng bài học học được từ khi cho ra mắt những chiếc xe đầu tiên cho các thế hệ xe tiếp theo, và hiện đang phát triển dòng R2. Đó sẽ là những mẫu SUV chạy điện nhỏ hơn và bán ở mức giá thấp hơn.
Rivian đang đặt cược tương lai doanh số có lợi nhuận ở những chiếc xe này, và cho rằng họ có đủ tiền để tồn tại tới hết năm 2025.
Tuy nhiên, Rivian đã lùi thời gian ra mắt chiếc xe và dự định sẽ chính thức xuất hiện vào năm 2026.
Theo Thời báo phố Wall