(QNO) – Với nhiều phong trào thiết thực, sôi nổi, hoạt động công đoàn trong nhiệm kỳ vừa qua đã hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ). Qua đó, từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Công ty TNHH Fashion Garment (đóng tại KCN Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) có 2.100 lao động, với gần 2.060 đoàn viên công đoàn. Với chính sách giữ lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và từng bước nâng cao chất lượng lao động, hằng năm, Ban Giám đốc phối hợp với Ban chấp hành (BCH) công đoàn công ty xây dựng kế hoạch, triển khai các chính sách, chế độ chăm lo tốt đời sống NLĐ; thường xuyên tổ chức các hoạt động hướng về đoàn viên công đoàn trong các dịp lễ, tết…
Cạnh đó, BCH Công đoàn Công ty TNHH Fashion Garment phát động phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; chương trình “Lao động sáng kiến” thu hút nhiều đoàn viên công đoàn tham gia. Đáng chú ý, chương trình “Lao động sáng kiến” từ đầu năm 2022 đến nay đã thu về 722 sáng kiến, đem lại giá trị làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1.110 USD. Ban Giám đốc và BCH công đoàn của công ty đã công nhận sáng kiến và khen thưởng với tổng giá trị tiền thưởng hơn 40 triệu đồng.
Bà Trương Thị Hoàng Linh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Fashion Garment cho biết, bất kỳ sáng kiến hay đóng góp nào giúp cho công việc của NLĐ thay đổi theo hướng tích cực đều được ghi nhận. Thông qua đó NLĐ có động lực nghiên cứu, học hỏi, cải tiến một số công đoạn trong công việc theo hướng tiến bộ hơn, tạo môi trường làm việc văn hóa, đạt hiệu quả cao.
[VIDEO] – Bà Trương Thị Hoàng Linh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Fashion Garment chia sẻ về hiệu quả chương trình lao động sáng tạo của công ty:
Tại Công ty TNHH Premo Việt Nam (đóng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), BCH công đoàn công ty luôn xác định, nâng cao đời đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ là cơ sở để công ty duy trì hoạt động, phát triển lâu dài. Cùng với việc đóng BHXH đầy đủ và chế độ lương, thưởng triển khai kịp thời đến NLĐ, công đoàn thường xuyên tổ chức hoạt động theo từng chủ điểm tháng, như ngày 8/3, 20/11, hoạt động thể thục thể thao truyền thống Premo, Ngày quý ông Premo,… Qua đó góp phần giải tỏa áp lực trong công việc, nâng cao đời sống tinh thần NLĐ.
Hiện nay, Công đoàn các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh đang có 96 công đoàn cơ sở với 44.305 đoàn viên/49.665 công nhân lao động. Ông Nguyễn Kỳ Vĩnh – Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cho biết, chỉ khi thấy được hiệu quả, tầm quan trọng của tổ chức công đoàn thì đoàn viên, NLĐ mới tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn. Đó là thực tế mà Công đoàn các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh đang bám vào để phát triển đoàn viên. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công tác vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có vai trò quan trọng.
Cùng với phát triển đoàn viên công đoàn, thời gian qua, công đoàn cơ sở duy trì các phong trào có ý nghĩa thực tế, phát triển các mô hình hay, cách làm thiết thực, đem lại nhiều lợi ích cho NLĐ. Điển hình, toàn tỉnh duy trì hoạt động của 14 tổ công nhân tự quản trong khu nhà trọ công nhân ở KCN Điện Nam – Điện Ngọc, 3 tổ tại KCN Tam Thăng. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy cho công nhân lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của tỉnh ra đời từ năm 2012, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đã trở thành chỗ dựa cho ngư dân xã Tam Quang khi đánh bắt trên biển. Quyền lợi của đoàn viên là ngư dân luôn được bảo vệ khi có nghiệp đoàn làm chỗ dựa. Ông Huỳnh Thế Điểu – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cho biết, lúc mới thành lập, nghiệp đoàn có 187 đoàn viên là ngư dân trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển, nay đã phát triển được 340 đoàn viên. Với quy mô hoạt động của nghiệp đoàn ngày càng phát triển, số lượng tàu cá đã có 208 chiếc, phần lớn có công suất từ 700CV đến 1.000CV khai thác xa bờ với tổng công suất 138.000CV. Năm 2017 sản lượng khai thác chỉ đạt 15.000 tấn, đến nay sản lượng đã đạt trên 17.000 tấn.
Theo ông Điểu, nghiệp đoàn cùng với công đoàn cấp trên và các sở, ngành, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền trong ngư dân bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Toàn xã đã thành lập được 35 tổ đoàn kết, tổ chức đi biển theo tổ, hỗ trợ và giúp nhau trong lúc khai thác, đánh bắt. Các tổ đã kịp thời giúp đỡ 8 tàu có hơn 120 lao động không may bị hỏng máy trên biển trong khi đang đánh bắt và hỗ trợ lai dắt vào bờ an toàn. Đây là việc làm đầy tình nghĩa đoàn kết, giúp nhau trên biển trong lúc hoạn nạn.
Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề nghiệp để đoàn viên có tổ chức hoạt động, có điều kiện giúp nhau bảo vệ quyền lợi trong hoạt động nghề nghiệp đã được các công đoàn huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Đến nay toàn tỉnh có 12 nghiệp đoàn nghề nghiệp đã được thành lập. Như tại TP.Hội An có nghiệp đoàn xích lô, nghiệp đoàn ghe bơi, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành có nghiệp đoàn nghề cá, tại TP.Tam Kỳ có nghiệp đoàn nhóm trẻ tư thục,..
Tại TP. Hội An, nghiệp đoàn xích lô đang có 102 đoàn viên, đều là những người đạp xích lô phục vụ du khách ở phố cổ. Từ khi có nghiệp đoàn, các thành viên đều hoạt động quy củ, không có hiện tượng tranh giành khách mà tương trợ nhau cùng làm việc, cùng đóng góp công sức xây dựng phố cổ Hội An thân thiện, mến khách. Bởi du khách chính là người mang lại thu nhập cho đoàn viên của nghiệp đoàn, nên mọi việc đều phải lấy sự hài lòng của du khách làm trung tâm.
Ông Phan Phước Tùng – Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô TP.Hội An:“Từ khi có tổ chức của những người đạp xích lô thì họ cũng được Công đoàn cấp trên quan tâm tuyên truyền chính sách pháp luật, thăm hỏi, động viên khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn dịch bệnh Covid-19… đã động viên tinh thần cho đoàn viên nghiệp đoàn”.
Ông Phan Xuân Quang – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trong 5 năm qua, tình hình kinh tế – xã hội nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã tác động toàn diện khiến đời sống đoàn viên, NLĐ gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh điêu đứng, kinh tế suy thoái… làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức công đoàn.
Song trong khó khăn, việc chăm lo cho đời sống của đoàn viên – NLĐ lại càng ý nghĩa hơn, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điển hình như các chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe 0 đồng”, thăm tặng quà ĐV-NLĐ khó khăn các dịp tết, Tháng công nhân, đặc biệt hỗ trợ đoàn viên và người lao động mắc Covid-19, đời sống việc làm gặp khó khăn do dịch bệnh, hay bị ảnh hưởng thiên tai… Các chương trình trên đã chăm lo đời sống cho hàng chục nghìn trường hợp đoàn viên – NLĐ với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Chương trình nhà “Mái ấm công đoàn” tiếp tục được thực hiện, Quỹ xã hội LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 238 nhà ở cho đoàn viên – NLĐ có hoàn cảnh khó khăn và 3 nhà công vụ cho giáo viên với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Hiện tại, tiền lương bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8,8 triệu đồng/người/tháng.
Cạnh đó, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên – NLĐ và tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn triển khai hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, xây dựng đội ngũ hòa giải viên lao động, cử cán bộ công đoàn chuyên trách tham gia hội thẩm nhân dân; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo việc làm cho đoàn viên – NLĐ; tham gia có hiệu quả các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội… Từ đó mà nhận thức của chủ doanh nghiệp về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở có những chuyển biến tích cực.
Trong 5 năm qua, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã kết nạp mới 49.772 đoàn viên công đoàn (đạt 226% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao và đạt 249% so với Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XVI đề ra); thành lập mới 2 nghiệp đoàn và 134 công đoàn cơ sở, nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 136.336 đoàn viên và 1.848 công đoàn cơ sở.
[VIDEO] – Ông Phan Xuân Quang – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ về nhiệm vụ của công đoàn trong nhiệm kỳ tới:
Đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định, thực tế hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay dù có nhiều phong trào ý nghĩa nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập. Bởi vì công nhân, viên chức, NLĐ ngày càng tăng nhưng cán bộ chuyên trách của tổ chức không bổ sung thêm, nên sẽ gây áp lực lớn đối với công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ.
Đồng chí Lê Văn Dũng hy vọng sau kỳ Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028, với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công đoàn tỉnh sẽ có nhiều giải pháp sát thực, hiệu quả để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội, các chương trình hành động và các phong trào thi đua, được NLĐ tin tưởng và xem tổ chức công đoàn thực sự là tổ chức đại diện cho quyền lợi hợp pháp của NLĐ trong giai đoạn mới.
[VIDEO] – Đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá về hoạt động công đoàn hiện nay: