Gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống

Nghề truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Tại Quảng Ninh hiện cũng có nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hoá bản địa, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Song do sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi… một số nghề truyền thống cũng đang đứng trước nhiều thách thức thậm chí có nguy cơ dần mai một. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề truyền thống là rất cần thiết.

Giá trị và thách thức

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số nhóm ngành nghề truyền thống như: Nghề gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc than đá, chế biến nông, lâm, thuỷ sản… Trong đó, phải kể đến các làng nghề như: Gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng (Đông Triều); nuôi cấy ngọc trai ở Hạ Long, than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm Phả; nghề trồng hoa Hoành Bồ, Đông Triều; nghề làm miến dong Bình Liêu; nghề làm mắm ở Vân Đồn; nghề đan ngư cụ Hưng Học (Quảng Yên)… 

Nghề làm nước mắm ở Vân Đồn đã có từ khá lâu đời. Ảnh: Mạnh Trường

Trên thực tế, các nghề truyền thống và làng nghề ở Quảng Ninh phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên rất ít nghề, làng nghề đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống.

Cùng với đó, hiện nay chính người lao động, các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống. Thêm nữa, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách phát triển nghề còn nhiều bất cập, nhu cầu tiêu dùng thay đổi tạo khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Vì thế, nhiều ngành nghề truyền thống đang dần bị thu hẹp.

Vẻ đẹp gốm mỏng Quang Vinh được kết hợp từ nét đặc trưng gốm Bát Tràng và gốm truyền thống, cùng sự khéo léo của thợ thủ công.
 Các làng gốm của Đông Triều vang danh từ khoảng những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

Quảng Yên là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, cũng là địa phương sở hữu nhiều nghề và làng nghề truyền thống nhất tại Quảng Ninh. Tính đến nay, Quảng Yên đã được công nhận 3 nghề truyền thống là: Nghề làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hoà và nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ đò Chanh. Cùng với đó, hai làng nghề truyền thống cũng được công nhận là làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương.

Vào những năm cuối thế kỷ 17, những sản phẩm do người dân Nam Hòa (Quảng Yên) làm ra không chỉ được dùng trong sinh hoạt gia đình mà còn để phục vụ nhu cầu đánh bắt của nhân dân vùng ven biển cửa sông Bạch Đằng. Đã có một thời, những chiếc lờ, nơm, đó… của làng nghề đan ngư cụ Hưng Học được những người làm nghề chài lưới ở nhiều địa phương tìm mua, hàng làm ra không đủ bán. Lâu dần, đan ngư cụ đã trở thành nghề thủ công truyền thống có trên 400 năm tuổi và được gìn giữ lưu truyền đến ngày nay. Trước kia làng nghề có hàng trăm hộ gia đình làm nghề đan ngư cụ nhưng nay chỉ còn số ít hộ gắn bó với nghề.

Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (TX Quảng Yên) đứng trước nhiều thách thức để bảo tồn nghề.

Ông Hoàng Văn Dũng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề đan ngư cụ ở phường Nam Hòa, chia sẻ: Các sản phẩm ở làng nghề ngư cụ Hưng Học chủ yếu phục vụ cho khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, phương thức sản xuất, đánh bắt thủy hải sản của người dân cũng có nhiều thay đổi nên nhu cầu thị trường ngày một giảm, thu nhập của người lao động thấp đi, làng nghề gặp nhiều khó khăn. Song gia đình tôi và một số hộ trên địa bàn phường Nam Hòa vẫn cố gắng duy trì, gắn bó với nghề như cách để gìn giữ nghề mà cha ông trao truyền lại.

Hướng đi bền vững

Hiện nay, bên cạnh một số nghề truyền thống có xu hướng mai một dần thì cũng có nhiều làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Tại Quảng Ninh, từ việc triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, đã góp phần hồi sinh, tạo sức sống mới cho nghề truyền thống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Sản phẩm làng nghề trở nên đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường như: Miến dong Bình Liêu, mắm sá sùng Vân Đồn, nem chua Quảng Yên, hải sản khô Cô Tô, gốm sứ mỹ nghệ Đông Triều…

Bên cạnh giá trị kinh tế, các nghề và làng nghề truyền thống còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Do đó, đưa nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã và đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nơi.

Anh Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, cho biết: Cùng với tham gia vào chương trình OCOP, phát triển sản phẩm miến dong với quy mô lớn, chúng tôi cũng chuẩn bị các điều kiện để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình làm miến tại xưởng trong hành trình khám phá du lịch Bình Liêu. Tin rằng, mỗi câu chuyện xoay quanh sản phẩm miến dong sẽ tạo nên sự độc đáo, sức hấp dẫn đối với du khách để giới thiệu, quảng bá nhiều hơn nét đẹp văn hóa, bản sắc Bình Liêu.

Nghề truyền thống làm miến dong ở Bình Liêu.

Trên địa bàn TX Đông Triều có nhiều làng gốm truyền thống còn hoạt động gồm: Ánh Hồng (phường Mạo Khê), Cầu Đất (phường Đức Chính) và các xưởng của gốm Quang Vinh. Ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long), cho biết: Ngoài các tour làng quê, điểm nhấn khi đưa khách về Đông Triều chính là được thăm các làng nghề gốm cổ, được các nghệ nhân say nghề hướng dẫn làm gốm. Đây chính là nguồn nguyên liệu tuyệt vời cho các sản phẩm, hành trình du lịch, đặc biệt là hướng đến đối tượng khách quốc tế muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Việt Nam.

Thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức hoạt động truyền dạy kỹ thuật đan ngư cụ tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, để phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của cư dân làng chài, vừa tạo ra một sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long vừa thiết thực góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống. 

Gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống là trách nhiệm quan trọng nhằm lưu truyền những tinh hoa của cha ông gửi gắm cho thế hệ mai sau. Song để làm được điều đó, các cấp, ngành, địa phương cần có những biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác bảo tồn như: Tiếp tục tạo điều kiện phát triển nghề gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề…


Ông Ngô Đình Dũng, Phó Phòng Văn hóa – Thông tin TX Quảng Yên: “Cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm từ làng nghề”

Quảng Yên là địa phương có nhiều nghề và làng nghề truyền thống. Từ năm 2014, thị xã đã được công nhận 3 nghề truyền thống là Nghề làm bánh gio Phong Cốc, nghề làm bún Hiệp Hoà và nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Đò Chanh; 2 làng nghề truyền thống là: Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương. Bên cạnh đó còn có một số nghề truyền thống nhỏ lẻ như nghề làm bánh dày, bánh mật…

Tuy nhiên, người dân tại các làng nghề cơ bản vẫn làm nông nghiệp là chính, chỉ tranh thủ làm các sản phẩm làng nghề và phục vụ phát triển du lịch theo thời vụ. Thêm nữa, tại các làng nghề chưa có khu vực bày bán sản phẩm, hoặc chuỗi dịch vụ đi kèm để quảng bá các sản phẩm của làng nghề đến với du khách, vì vậy doanh thu từ du lịch làng nghề chưa lớn. 

Chính vì thế, TX Quảng Yên đã xây dựng Đề án bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề truyền thống giai đoạn 2021-2025, nhằm phát huy các giá trị làng nghề; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó gìn giữ văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.


Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Làng quê Yên Đức: Nghề truyền thống có thể trở thành thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng”

Làng quê Yên Đức (TX Đông Triều) hiện nay còn nhiều hộ gia đình gìn giữ được nghề làm chổi truyền thống từ những bẹ cau, bẹ dừa, rơm rạ. Những sản phẩm này đã được chúng tôi khai thác trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm dành cho du khách khi đến với làng quê Yên Đức và nhận được những phản hồi rất tích cực, đặc biệt du khách nước ngoài rất thích thú khi tự tay bện, buộc chổi.

Cách làm này, vừa tạo ra thu nhập cho người dân vừa tận dụng được chính tiềm năng sẵn có từ các nghề truyền thống để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và quảng bá những nét văn hóa làng nghề đến với du khách. Vấn đề hiện nay chỉ là làm sao thu hút được lượng du khách đều đặn và có thời gian lưu trú lâu hơn tại Yên Đức để có thể có đủ thời gian cho những trải nghiệm thú vị từ cuộc sống của người dân nơi đây.


Ông Đặng Văn Ban, Nghệ nhân đan ngư cụ tại làng Hưng Học, phường Nam Hòa (TX Quảng Yên): “Đổi mới các sản phẩm làng nghề để đáp ứng nhu cầu hiện tại”

Trước kia, phường Nam Hòa có khoảng 400 hộ gia đình thì có đến 300 hộ làm nghề đan ngư cụ truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu thị trường ngày một giảm nên làng nghề gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chịu sức ép từ thị trường, thu nhập từ nghề không nhiều nhưng những hộ gia đình đã gắn bó với nghề nhiều đời như gia đình chúng tôi vẫn cố gắng duy trì các sản phẩm làng nghề. Một vài hộ gia đình đã có sáng kiến và tự mày mò sáng tạo ra các sản phẩm lưu niệm, trang trí mẫu mã đẹp, mang đặc trưng của làng nghề.

Bản thân tôi cũng đã từng thử nhiều cách, tham khảo cách làm của các làng nghề đan lát khác trên cả nước để tạo đầu ra, đổi mới cách thức làm để tăng độ bền cũng như tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn và rất cần các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến những làng nghề truyền thống, gỡ khó cùng người dân trong việc phát triển làng nghề.


Bà Lê Thị Thìn, Trưởng phòng Nghiệp vụ – Nghiên cứu, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long: “Chú trọng hơn đến công tác truyền dạy nghề truyền thống”

Liên quan đến việc bảo tồn nghề truyền thống, năm 2019, chúng tôi đã mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lờ, đan lưới, sửa chữa ngư cụ, lưỡi câu cho các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và các ngư dân làm hợp đồng tại các đơn vị trực thuộc Ban, mời các nghệ nhân làng nghề tham gia truyền dạy. Mục đích khóa tập huấn là bảo tồn, gìn giữ nghề đan tre, đan lưới, sửa chữa, chế tác ngư cụ truyền thống của cộng đồng ngư dân từng sinh sống trên Vịnh Hạ Long; đồng thời hình thành tổ hợp trình diễn đan ngư cụ tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn phục vụ du khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách đến tham quan và hưởng thụ sản phẩm du lịch văn hóa trên vịnh Hạ Long.

Tôi nghĩ rằng, không chỉ trên Vịnh Hạ Long mà chúng ta còn có thể nhân rộng mô hình trình diễn này tại các điểm đến du lịch khác, ở những địa phương khác, tạo ra những không gian phù hợp để gìn giữ, quảng bá nghề truyền thống, đồng thời chú trọng hơn đến việc truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ kế cận để nghề không bị mai một.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *