Giữ nghề cha ông
Đến làng gióng Mỹ Nam vào một ngày nắng ấm cuối năm, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Thái Tranh, một trong những hộ làm gióng lâu nhất ở Mỹ Nam. Gia đình ông Tranh là số ít người trong làng có hai thế hệ vẫn còn gắn bó với nghề đan gióng mưu sinh.
Năm nay ông Tranh đã hơn 100 tuổi, đôi tay đã chai sần, chằng chịt các vệt sẹo đậm nhạt, là “vết tích” của hơn 80 năm ông chuốt từng sợi mây, thắt từng đôi gióng, nuôi các con khôn lớn. Ở cái tuổi xế chiều, mắt đã mờ, thính lực đã giảm nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài với nghề truyền thống của cha ông.
Theo ông Tranh, gióng có nhiều loại, tương ứng với mỗi loại mây cho ra sản phẩm dùng vào nhiều mục đích khác nhau như gióng dùng để gánh, xách hay treo…
Để tạo ra một đôi gióng đẹp, đạt chất lượng, cần có 2 loại mây. Một là loại mây sợi lớn (mây song, mây chái, mây nước, mây rả, chà phun…) để làm các tao gióng (mỗi tao 2 sợi mây); một loại mây sợi nhỏ (mây rắc) để cố định phần đầu của gióng, giúp cho đôi gióng gọn gàng, đẹp mắt hơn.
“Ngày đó, để có mây làm gióng, những người trai trẻ, khỏe mạnh trong làng chúng tôi rủ nhau gói cơm mắm vào rừng bứt mây, đi một đợt về chẻ ra dùng cho cả tháng” – ông Tranh tâm sự.
Tiếp lời ông Tranh, bà Lê Thị Năm, con dâu ông chia sẻ, khoảng 30 năm về trước, khi máy gặt đập liên hợp chưa về các ruộng thì mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, đa số người dân phải cắt lúa bằng câu liêm và gánh lúa bằng đôi quang gánh, nên nhu cầu mua gióng của người dân rất cao.
Thời đó, những đôi gióng của thôn Mỹ Nam có mặt khắp các chợ, từ chợ Phường Đông (Đại Phong), chợ Phú Thuận (Đại Thắng)… đến các chợ tại nhiều nơi như Núi Thành, Hội An và vào tận các chợ ở tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày xưa, đôi gióng là vật dụng cần thiết, gắn bó với nông dân và đã từng là một phần quan trọng trong sinh hoạt của vùng nông thôn. Để có gióng bán, người làm gióng thôn Mỹ Nam đã trữ mây từ nhiều tháng trước đó; rồi cứ vào vụ, người làng thức khuya để thắt gióng. Sáng sớm hôm sau, khi buổi chợ phiên bắt đầu, phụ nữ lục đục dậy sớm, lo cơm nước cho gia đình đâu vào đấy, rồi tiến hành cột gióng thành từng chục mang ra chợ.
“Sau một ngày rong ruổi các mặt chợ, tối đến, người dân trong làng chúng tôi lại sáng đèn tiếp tục với công việc đan gióng, tiếng nói cười, hỏi thăm nhau bán được bao nhiêu đôi, chợ nào bán được, chợ nào bán ế…. rôm rả cả xóm làng” – bà Năm chia sẻ.
Hướng đi mới của làng nghề
Những con người lặn lội với mây gióng cũng lần lượt ra đi theo quy luật của đời người. Cùng với đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều trang thiết bị hiện đại, thay thế sức lao động của con người, khiến hình ảnh những đôi quang gánh cũng dần trở nên hiếm hoi ở các làng quê.
Thế nhưng đâu đó, trong cuộc sống hiện đại với đầy đủ tiện nghi, chúng ta lại bắt gặp những đôi gióng nhỏ xinh được tạo ra bởi bàn tay khéo kéo của người làng gióng Mỹ Nam xuất hiện tại các hàng quán sang trọng, nơi hút khách du lịch.
Đôi gióng ngày nay không còn dùng để gánh lúa, gánh rau mà được dùng để treo các chậu hoa, cây cảnh làm vật trang trí, phục vụ du lịch, hay được sử dụng làm vật decor trong nội thất…
Mỹ Nam hiện có khoảng 70 hộ dân, trong đó chỉ còn tầm 10 hộ tiếp tục theo nghề làm gióng. Người dân tranh thủ thời gian nông nhàn, mang mây ra đan gióng, mỗi ngày làm ra khoảng 30 đôi, với giá bán 12 – 20 nghìn đồng/đôi tùy loại, cho thu nhập khoảng 100 – 120 nghìn đồng/ngày/người.
Tất cả các loại gióng do người dân trong làng làm ra, đều được bà Phạm Thị Nga và bà Nguyễn Thị May thu gom đưa đi các nơi để bán, góp phần tạo một hướng đi mới cho nghề gióng.
Theo lời ông Lê Văn Có – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mỹ Nam, nghề làm gióng từng đem lại cơm ăn, áo mặc, sự no ấm cho nhân dân trong vùng. Làng gióng tuy không còn hưng thịnh như xưa, chỉ còn 10 hộ trong làng còn giữ nghề. Tuy vậy, nghề gióng đã giúp các hộ dân, nhất là hộ lớn tuổi có thu nhập ổn định.
“Gióng Mỹ Nam đã được đưa đi Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Xã, huyện cũng luôn tạo điều kiện cho bà con tham gia quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các hội chợ, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Đây cũng là hoạt động góp phần bảo tồn làng nghề truyền thống, là cơ hội giúp bà con kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, có cơ hội giữ nghề” – ông Có chia sẻ.