Tắc đường ngày Tết: Cả nhà dậy từ 5h30, 2km mất 40 phút, người nóng ruột leo vỉa hè

Dậy từ 5h30 vì giờ nào cũng là… giờ cao điểm

Gần một tuần nay, anh Đoàn Văn Hải (nhà ở Hoài Đức, Hà Nội) thay đổi giờ giấc đi làm để thích ứng với điều kiện giao thông đã thành quen thuộc mỗi dịp cuối năm.

Anh Hải cho biết, cứ đến dịp cuối năm là xảy ra cảnh tắc đường. Thông thường chỉ có đầu giờ sáng và cuối giờ chiều là khung giờ cao điểm. Nhưng dịp Tết, mỗi lần lái xe anh đều thấy cảnh đông đúc, xe cộ chật cứng.

Nghị định 168 có hiệu lực với mức xử phạt 4-6 triệu đồng đối với xe máy, 20 triệu đồng với ô tô “không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông” đã nâng cao ý thức tham gia giao thông của nhiều người.

“Không còn cảnh ăn gian cuối giây đèn xanh, đầu giây đèn đỏ nên tại các điểm giao cắt, lưu lượng phương tiện dồn lại nhiều hơn”, anh Hải cho hay. 

Tắc đường ngày Tết: 2km đi hết 40 phút, nhiều người nóng ruột leo vỉa hè - 1

Gần 9h30 sáng 21/1, đường Nguyễn Chí Thanh vẫn ùn tắc (Ảnh: Hồng Anh).

Anh Hải sống cách nơi làm việc 15km. Thông thường, người đàn ông này sẽ đi làm từ 7h để vào nội đô. Tuy nhiên, những ngày qua, anh quyết định ra khỏi nhà sớm hơn.

“Cả nhà tôi dậy từ 5h30. Tôi đưa con đến lớp và 6h30 từ trường của con đi đến cơ quan. Phải dậy sớm hơn thường lệ nên cả nhà đều oải”, anh Hải nói.

Mỗi ngày, anh Hải về đến nhà cũng là lúc 22-23h. Người đàn ông này lý giải, vì 26 Tết âm lịch sẽ về quê đón Tết nên anh tranh thủ sau giờ làm sẽ đi chúc Tết một số bạn bè, đối tác. Nghĩ đến cảnh rời cơ quan đúng vào giờ tắc nhất trong ngày, anh Hải không khỏi ngao ngán.

Bất đắc dĩ, anh đành ngồi chờ đến khoảng 20h mới lái xe ra đường. Dẫu vậy, mỗi ngả đường anh qua cũng không dễ thở hơn khi xe cộ vẫn tấp nập.

“Mấy hôm liền tôi không ăn cơm tối ở nhà mà chỉ ăn tạm đĩa cơm rang hay tô phở rồi đi chúc Tết”, anh này cho biết.

Cùng nỗi ám ảnh tắc đường ngày Tết, chị Hoàng Ngọc Diễm (nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường di chuyển phải qua đường Láng. Trục này có nhiều điểm tắc nghẽn khủng khiếp khi liên tục giao với các ngã tư lớn như Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương – Láng Hạ, Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh. Gần Tết, nhiều thời điểm con đường này như tê liệt”, chị Diễm nói.

Tắc đường ngày Tết: 2km đi hết 40 phút, nhiều người nóng ruột leo vỉa hè - 2

Người tham gia giao thông không giấu nổi sự mệt mỏi, nhích từng chút giữa dòng xe cộ (Ảnh: Hồng Anh).

Hơn 1 tiếng mới qua được 3 đèn đỏ

Anh Vũ Đình Toàn (34 tuổi) cũng chia sẻ: “Ngày 21/1, tôi đi từ Minh Khai (Hai Bà Trưng) về Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy) mà mất 2 tiếng. Cả tiếng đồng hồ ngồi trên xe chỉ để đi một quãng đường ngắn thực sự quá mệt mỏi”.

Cũng trong ngày 21/1, vào buổi tối, khi di chuyển qua ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi hướng ra Nguyễn Xiển, người đàn ông này mất 1 tiếng 15 phút để đi qua 3 điểm đèn xanh – đèn đỏ.

“22h, Google Maps – ứng dụng bản đồ trực tuyến – vẫn báo đỏ các ngả. Đường vành đai 3 trên cao cũng di chuyển khó khăn. Từ khi ngã tư Khuất Duy  Tiến – Nguyễn Trãi phân luồng đến nay, mỗi lần đi qua đây tôi đều rất mất thời gian”, anh Toàn nói. 

Việc di chuyển ngoài đường những ngày này ở Hà Nội thường khiến người dân mất nhiều thời gian hơn.

Anh Nguyễn Hòa Bình cho biết, chiều tối 22/1, trước khi xuất phát, anh tra Google Maps thì thấy ứng dụng báo 20 phút cho quãng đường 2km. Tuy nhiên sau đó anh mất 40 phút để hoàn thành lộ trình này. 

Tắc đường ngày Tết: 2km đi hết 40 phút, nhiều người nóng ruột leo vỉa hè - 3

Google Maps báo 20 phút nhưng anh Hòa mất 40 phút để di chuyển quãng đường 2km (Ảnh: Chụp màn hình).

Trên các hội nhóm mạng xã hội những ngày này, chủ đề tắc đường cũng được bàn luận sôi nổi.

Nhiều người thậm chí còn cập nhật tình hình giao thông ngay trên đường đi làm kèm theo những lời “cảnh báo”: “9h, đường vẫn tắc như buổi sáng. Giờ này tốt nhất các bác đừng ra đường”.

Một số người chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười trên đường. Thậm chí, cả những câu chuyện buồn vì tắc đường như cảnh xe cứu thương bất lực rú còi giữa dòng xe kẹt cứng ở đường Hoàng Ngân, đường Đê La Thành…

Bỏ xe máy giữa đường tìm lối thoát 

Là nhân viên tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, chị Thu Thủy đã quá quen với cảnh ùn tắc giao thông như “cơm bữa”.

Cách đây 2 ngày, chị hẹn nhóm bạn thân tổ chức tiệc tất niên tại một nhà hàng. Ngày thường, quãng đường từ nhà chị Thủy đến Ngã Tư Sở chỉ mất khoảng 20 phút.

Vào dịp cận Tết, với thời gian đó, chị mới chỉ đi được vài ki-lô-mét. Khi đã lọt giữa dòng xe ùn tắc, người phụ nữ này sốt ruột nhìn đồng hồ trong tâm trạng bất lực dù bạn bè liên tục nhắn tin giục giã.

“Biết trước tình hình tắc đường nên cả nhóm nhắc nhở nhau xuất phát từ lúc 17h. Sau 45 phút, tôi vẫn “bò” trên đường, chưa qua được ngã tư Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển.

Vì sợ bị muộn, tôi đành gửi xe máy tại một tòa nhà ven đường rồi lên ga tàu điện, mua vé tiếp tục hành trình”, chị Thủy chia sẻ.

Cũng đối mặt với tình huống ùn tắc nghiêm trọng khi tham gia giao thông dịp cận Tết, chị Phạm Hà ở quận Nam Từ Liêm cảm thấy “muối mặt” khi đến chỗ hẹn quá muộn khiến đối tác không hài lòng.

Sau khi ăn sáng, khoảng 7h30, chị Hà lái ô tô rời khỏi nhà hướng về khu vực đường Thanh Niên để kịp tặng quà cho đối tác lúc 9h.

Khi đến khu vực hầm chui Trung Hòa, nhận thấy tình trạng ùn tắc, người phụ nữ này dự tính chuyển sang lộ trình khác. Tuy nhiên, dòng xe phía sau ùn ùn kéo đến khiến nữ tài xế không kịp trở tay.

Gần 9h, chị Hà vẫn chưa thể thoát khỏi dòng xe nối đuôi nhau. Thậm chí, có những đoạn, người phụ nữ này gần như “chôn chân” tại chỗ. Ô tô dàn kín các làn đường, trong khi xe máy chỉ biết “điền vào chỗ trống”.

Chị Hà đến trễ hơn 30 phút so với lịch hẹn khiến đối tác thay đổi sắc mặt, không mấy vui vẻ. 

Tắc đường ngày Tết: 2km đi hết 40 phút, nhiều người nóng ruột leo vỉa hè - 4

Nhiều người sốt ruột cảnh ùn tắc đã leo lên vỉa hè (Ảnh: Hồng Anh).

“Chuyện tắc đường ở Hà Nội không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, việc di chuyển hơn 2 tiếng mới đến được chỗ hẹn cho quãng đường hơn 10km khiến tôi thật sự mệt mỏi. Nhiều tài xế ô tô không chịu nhường đường cho xe máy, chiếm đến 4-5 làn dù biết rõ không thể di chuyển nhanh, làm giao thông thêm hỗn loạn”, chị Hà bức xúc chia sẻ.

Bàn về tình hình giao thông mỗi dịp Tết, chuyên gia giao thông quy hoạch Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt – Nhật cho hay, lượng người, phương tiện tham gia giao thông vào dịp cận Tết tăng vọt là do nhiều nguyên nhân: Nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa tăng cao, nhiều gia đình muốn hoàn thiện nốt những việc còn dang dở trước khi đón năm mới như xây, sửa nhà, sắm mới đồ đạc nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, đồ nội thất…

Đặc biệt, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng tổ chức đi biếu, tặng quà nên lượng người đổ ra đường càng lớn. Không chỉ cá nhân, đơn vị ở Hà Nội mà còn có nhiều đơn vị ở các tỉnh thành khác cũng đổ về Thủ đô tặng quà Tết.

Để giảm thiểu tình trạng tắc đường dịp cuối năm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, bên cạnh các giải pháp liên quan đến quy hoạch lâu dài (hạ tầng, giãn dân, giảm mật độ xây dựng nội đô…), nâng cao ý thức chấp hành các quy định và Luật Giao thông.

Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Hà Nội thông tin, những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu đi lại tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội đặc biệt sôi động. Lực lượng CSGT các đội địa bàn được bố trí nhiều trên các tuyến đường để phân luồng phương tiện, bảo đảm người dân di chuyển thuận lợi.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong thời gian cận Tết, lực lượng CSGT không chỉ điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm sáng và chiều mà trong những ngày này, mật độ giao thông cao điểm còn diễn ra ngay cả trong khung giờ trưa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *