Trong giai đoạn mới, các cấp ủy cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, việc thành lập tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ trong khó khăn, vướng mắc, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình tốt hình thành, đã và đang tạo động lực mạnh mẽ để phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, là “vườn ươm” để giai cấp công nhân phát triển và phát huy vai trò lịch sử trong giai đoạn mới.
Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đóng vai trò quan trọng
Đồng Nai là địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai hiện có 16 đảng bộ trực thuộc. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 943 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 621 chi bộ cơ sở, 322 đảng bộ cơ sở (có 3.060 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) và 89.134 đảng viên.
Tỉnh Đồng Nai hiện có có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 10.514 ha, thu hút các nhà đầu tư của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 2.091 dự án.
Mỗi năm, Đồng Nai có trên 3.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đến nay có 52.765 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với hơn 925.000 lao động đang làm việc.
“Trước sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế tư nhân, việc phát triển tổ chức Đảng trong khu vực này rất cần thiết, đóng vai trò tích cực vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Chủ trương phát triển đảng viên và xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã góp phần xác lập nền tảng hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững, bảo đảm quyền của người lao động,” ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, tổ chức Đảng là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp; qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng sẽ có ý thức cao hơn trong thực hiện các hoạt động của mình, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Đảng viên ở các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, là người trực tiếp cùng làm việc với người lao động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động; là những người có tiếng nói trực tiếp, thuyết phục nhất trong tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết Đồng Nai có số lượng lớn doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, vì vậy, Đảng bộ tỉnh xác định sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng là nền tảng, động lực để tỉnh thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trước yêu cầu mới.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã đặt ra yêu cầu cấp thiết, sự đòi hỏi khách quan là phải đẩy mạnh công tác xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị-xã hội, phát triển đảng viên nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy Đồng Nai dẫn lại trường hợp cụ thể trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động tại các doanh nghiệp. Lúc này, các tổ chức đảng luôn tìm mọi giải pháp để cán bộ, công nhân viên có việc làm ổn định, tạo được niềm tin, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
“Đội ngũ đảng viên ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” xung kích tình nguyện đến tâm dịch, khu nhà trọ để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho công nhân khiến chủ doanh nghiệp, người lao động cảm kích. Thông qua một số hoạt động, chủ doanh nghiệp nhận thấy lợi ích to lớn khi có tổ chức đảng và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng hoạt động. Đây cũng chính là chìa khóa thành công trong xây dựng, phát triển tổ chức Đảng,” bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với giai đoạn mới
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã phát triển 33 tổ chức đảng, kết nạp được 1.044 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên 185, với 4.158 đảng viên, chiếm 4,7% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy Đồng Nai đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp quần chúng là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 6 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 28 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 19 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân.
“Với những nỗ lực trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Đồng Nai đã trở thành một trong 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn khu vực miền Nam về số lượng thành lập tổ chức đảng và kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước,” Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn mới, các cấp ủy cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhằm tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng; thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, thời gian xác minh, thẩm tra, kết luận các hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên.
“Trước yêu cầu phát triển tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn mới, cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm phấn đấu trở thành cán bộ ‘năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung’ cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác này phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin và yêu Đảng; có như thế mới có thể truyền được niềm tin đến quần chúng vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt nhịp cầu để người lao động trong doanh nghiệp phấn đấu, bước những bước tiến gia nhập vào hàng ngũ của Đảng,” Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.
Ông Đào Văn Phước, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết với phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có tổ chức Đảng,” công tác thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy Đồng Nai quan tâm chỉ đạo. Trong chương trình công tác hằng năm đều giao chỉ tiêu thành lập tổ chức Đảng, phát triển đảng viên cho các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Ông Đào Văn Phước cho rằng, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng Nai là một trong số các địa phương đi đầu trong công tác phát triển tổ chức Đảng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước với những phương pháp đa dạng, hiệu quả, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động gắn với khảo sát, nắm tình hình về doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn được chú trọng.
Theo ông Đào Văn Phước, tại những doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, đoàn thể, cần tăng cường công tác khảo sát, tiếp cận, thuyết phục, vận động để chủ doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, trước hết là những doanh nghiệp có đơn vị tự vệ nhưng chưa có tổ chức Đảng, doanh nghiệp có nhiều lao động, sản xuất, kinh doanh ổn định.
Đặc biệt, cần khơi dậy, khuyến khích đội ngũ doanh nhân nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nhân, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và doanh nhân./.