Nữ giáo viên hy sinh tất cả vì đứa trẻ mù lòa, câm điếc bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng

Sau 2 lần đổ vỡ hôn nhân vì không có con, chị Nhung nhận nuôi một đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Suốt 15 năm chị ôm con nằm viện nhiều hơn ở nhà, khó khăn chồng chất.

Thời gian qua, người lui tới Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An không khỏi xót xa khi bắt gặp hình ảnh chị Nguyễn Thị Nhung (55 tuổi, trú thôn Thủy Phong, xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương, Nghệ An) dẫn theo con trai Ngô Đức Sơn (15 tuổi) bị mù loà, câm điếc bẩm sinh, tăng động, chậm phát triển tâm thần để vừa trông coi vừa chăm sóc mẹ già bị tai biến ngồi một chỗ. Càng xúc động hơn khi biết Sơn không phải con ruột mà là một đứa trẻ bị bỏ rơi, được chị Nhung cưu mang, chăm sóc từ khi còn đỏ hỏn.

“Tôi không có cơ hội được làm mẹ như bao người phụ nữ bình thường khác, cũng từng trải qua nỗi đau sau 2 lần đổ vỡ hôn nhân chỉ vì không có con. Rồi tôi gặp cháu Sơn như là một duyên phận, nhưng cháu không may bị dị tật bẩm sinh.

15 năm qua kể từ ngày gặp con cũng là chừng ấy thời gian, tôi ôm con nằm viện nhiều hơn ở nhà. Mẹ con tôi cùng nhau trải qua rất nhiều biến cố. Dù khó khăn, nợ nần, dù con không được lành lặn và có nhiều khiếm khuyết nhưng chưa một lần tôi có ý định bỏ con. Mẹ con tôi cứ thế thui thủi bên nhaunữ chị Nhung chia sẻ.

Nữ giáo viên cầu xin giữ lại ánh sáng cho đứa trẻ mù lòa, câm điếc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng- Ảnh 1.

Em Sơn bị bỏ rơi khi mới chào đời lại bị dị tật bẩm sinh, hiện đang hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước.

Cuộc hôn nhân lần thứ nhất của chị Nhung kéo dài 12 năm. Suốt quãng thời gian này, chị cũng mang thai 4 lần nhưng 3 lần bị sẩy khi thai vừa được một vài tháng. Một lần chị bị chửa ngoài dạ con phải phẫu thuật. Dù đã cố gắng điều trị hiếm muộn nhiều nơi nhưng khát khao làm mẹ vẫn không thành hiện thực. Rồi vợ chồng chị quyết định li hôn.

Nữ giáo viên cầu xin giữ lại ánh sáng cho đứa trẻ mù lòa, câm điếc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng- Ảnh 2.

Ngoài em Sơn khuyết tật, chị Nhung còn chăm sóc mẹ già 83 tuổi bị tai biến, ngồi một chỗ.

Khi nỗi đau nguôi ngoai, chị Nhung “đi thêm bước nữa” với người đàn ông quê ở Vĩnh Phúc. Sau cưới, người chồng quyết định ở lại Nghệ An để vợ thuận tiện công tác. Làm được đồng nào, 2 vợ chồng chắt góp, vay mượn thêm điều trị hiếm muộn. Chờ đợi, mong ngóng mãi nhưng chị vẫn không có tin vui.

15 năm trước, trong một lần xuống TP Vinh điều trị hiếm muộn, chị Nhung nhận nuôi một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi, chỉ nặng 1,8kg và đặt tên là Ngô Đức Sơn (lấy họ của người chồng). Thế nhưng, khi bé Sơn vừa một tháng tuổi thì bị sốt, co giật, ho ra máu, mắt đảo liên tục. Vợ chồng chị Nhung đưa con đi khám thì bàng hoàng khi nhận kết luận bị dị tật bẩm sinh.

Nữ giáo viên cầu xin giữ lại ánh sáng cho đứa trẻ mù lòa, câm điếc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng- Ảnh 3.

Hoàn cảnh mẹ con chị Nhung rất khó khăn.

“Cũng vì con nuôi bệnh tật mà 2 vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn rồi quyết định ly hôn khi bé Sơn vừa 8 tháng tuổi. Cuộc hôn nhân thứ 2 của tôi tan vỡ sau 5 năm cũng vì không sinh được con, cũng vì tôi cố chấp cưu mang một đứa trẻ bệnh tật”, chị Nhung thở dài.

15 năm qua, Sơn nằm viện nhiều hơn ở nhà. Đôi mắt bị đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bong võng mạc, glucôm, đã trải qua 9 ca phẫu thuật nhưng mắt trái đã bị mù vĩnh viễn, mắt phải chỉ còn nhìn thấy 1/10 ánh sáng. Ngoài ra, Sơn còn bị tăng động, chậm phát triển trí tuệ, câm điếc khiến cuộc sống của em phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ.

Nữ giáo viên cầu xin giữ lại ánh sáng cho đứa trẻ mù lòa, câm điếc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng- Ảnh 4.

Mỗi lần nhập viện điều trị hay chăm sóc mẹ già ở viện, chị Nhung đều dẫn con đi cùng để tiện chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Khương- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy – cho biết, chị Nhung là giáo viên tiểu học, công tác tại trường Tiểu học Thanh Thủy đã 29 năm và vừa xin nghỉ hưu gần một năm nay.

“Chị Nhung là phụ nữ đơn thân, nhận nuôi cháu Sơn nhưng bị di tật bẩm sinh nên rất vất vả. Mẹ con chị chưa có đất đai, nhà cửa, ở nhờ trong khu tập thể cũ của trường. Cuộc sống của 2 mẹ con phụ thuộc hoàn toàn vào lương hưu của chị Nhung nhưng cháu Sơn đi viện suốt nên rất khó khăn.

Rất mong các mạnh thường quân giúp đỡ để chị Nhung bớt gánh nặng, tiếp tục là chỗ dựa cho đứa con nuôi bất hạnh”, bà Khương chia sẻ.

Nữ giáo viên cầu xin giữ lại ánh sáng cho đứa trẻ mù lòa, câm điếc bị bỏ rơi khi mới lọt lòng- Ảnh 5.

Mắt trái của Sơn bị mù vĩnh viễn, mắt phải chỉ còn 1/10 ánh sáng lờ mờ, nếu không được cứu chữa, Sơn có nguy cơ bị mù vĩnh viễn.

Gần một năm nay, chứng bệnh đa khớp, vôi hóa các khớp khiến cơ thể chị Nhung đau nhức thường xuyên, đôi tay bị rung, tê cứng không thể cầm bút, phấn thường xuyên nên chị xin nghỉ hưu sớm. Ngoài con trai bệnh tật, chị Nhung còn chăm sóc mẹ già 83 tuổi bị tai biến, ngồi một chỗ. Mỗi lần nhập viện điều trị hoặc chăm sóc mẹ già, chị Nhung đều mang theo con trai đi cùng. Chị Nhung cho biết, Sơn không nghe nói được, mù lòa lại tăng động, thích đi đâu là đi mất phương hướng nên chị ngày đêm phải bên cạnh chăm sóc.

“Hàng chục năm qua, tôi không nhớ biết bao nhiêu lần chưa nhận lương đã phải ôm con đi viện. Những lần như thế, tôi lại vay đồng nghiệp, anh em, bạn bè, vay  nặng lãi. Những thứ có giá trị trong nhà cũng mang đi cầm cố. Nợ cũ nợ mới cộng dồn, đến nay còn 200 triệu đồng chưa thể trả.

Giờ mắt phải của con mù hẳn, mắt còn lại chỉ nhìn thấy 1/10 ánh sáng lờ mờ. Nếu không tiếp tục chữa trị, con sẽ mù vĩnh viễn. Cúi xin mọi người giúp đỡ, giữ lấy chút ánh sáng còn lại cho con. Tội nghiệp, đời con đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh rồi”, chị Nhung khẩn cầu.

Mọi giúp đỡ cho mẹ con chị Nhung xin gửi về địa chỉ: Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Thủy Phong, xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Hoặc STK của chị Nguyễn Thị Nhung: 0968947014, Ngân hàng Mbbank. ĐT: 0968947014.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *