Công ty Xpeng Aeroht của Trung Quốc giới thiệu chiếc ô tô bay tại triển lãm CES ở Las Vegas vào ngày 7/1/2025.
Wang Tan, đồng sáng lập Xpeng Aeroht, cho biết việc sản xuất hàng loạt “Land Aircraft Carrier” dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Về cơ bản, Land Aircraft Carrier là một chiếc xe tải nhỏ chạy điện có một phương tiện eVTOL (cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện) nhỏ gọn được giấu ở phía sau, có thể cuộn ra và phóng vào không trung.
Công ty cho biết họ đã nhận được hơn 3.000 đơn đặt hàng kể từ khi bắt đầu cho người dùng đặt sớm vào quý IV năm ngoái, với một nửa từ các doanh nghiệp và một nửa từ các khách hàng cá nhân. Hiện tại, phương tiện này có thể thực hiện các chuyến đi ngắn hoặc trung bình kéo dài khoảng 20 phút. Mức giá vẫn chưa được chốt nhưng dự kiến sẽ dưới 2 triệu nhân dân tệ (272.800 USD – gần 7 tỷ đồng).
Về mặt tuân thủ, Xpeng Aeroht đã bắt đầu quá trình xin giấy phép tại Trung Quốc để phê duyệt thiết kế máy bay và tất cả các bộ phận cấu thành của máy bay, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Trong năm qua, công ty đã khởi công xây dựng cơ sở sản xuất hàng loạt xe bay đầu tiên, huy động được 150 triệu USD trong vòng gọi vốn B1 và đang trên đà hoàn thành vòng gọi vốn B2, Phó chủ tịch Xpeng Aeroht là Qiu Mingquan cho biết.
Module bay của Land Aircraft Carrier
Land Aircraft Carrier là xe van chạy điện
Module bay được đặt phía sau của xe
Theo Morgan Stanley, thị trường ô tô bay toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040, sau đó tăng vọt lên 9 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Trung Quốc được dự đoán sẽ nắm giữ 23% thị phần ô tô bay vào năm 2050, đứng thứ hai sau Mỹ với thị phần 27%.
Bắc Kinh rất muốn khai thác các cơ hội kinh tế của lĩnh vực mới nổi này. Bất động sản và ngành công nghiệp thiết bị gia dụng từng là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng sự vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande Group vào năm 2021 đã gây ra một cuộc khủng hoảng mà hậu quả vẫn còn đang được cảm nhận.
Chính phủ Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang nuôi dưỡng các nhà sản xuất xe điện, nhưng ngành công nghiệp này hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về công suất dư thừa và dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Hiện tại, Bắc Kinh đang để mắt đến nền kinh tế tầm thấp (low-altitude economy), khái niệm liên quan đến các hoạt động kinh tế diễn ra ở không gian không quá cao so với mặt đất, thường dưới 3.000 mét và xem đó là một động lực tăng trưởng mới.
Năm ngoái, khoảng 30 tỉnh đã đề cập đến “nền kinh tế tầm thấp” trong các báo cáo công tác của chính quyền địa phương. Một số thành phố, bao gồm Bắc Kinh và Thượng Hải, đang hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng hệ sinh thái kinh tế tầm thấp và mở rộng các trường hợp sử dụng. Một số chính quyền địa phương đã thành lập các quỹ công nghiệp chuyên dụng để hỗ trợ những nỗ lực như vậy.
Lĩnh vực thiết bị cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) có nguồn gốc từ Châu Âu và Châu Mỹ, trong đó Joby Aviation của Mỹ và Vertical Aerospace của Anh là một trong những cái tên nổi bật nhất. So với Trung Quốc, các công ty Châu Âu và Châu Mỹ có nhiều khả năng tiếp cận nguồn tài trợ, nhân tài và sự chú ý của giới truyền thông hơn.
Nhưng Qiu Mingquan lạc quan về cơ hội của đất nước mình.
“Mặc dù Trung Quốc bắt đầu muộn hơn, chúng tôi có lợi thế về xe năng lượng mới, công nghệ thông minh và chuỗi cung ứng điện khí hóa, cho phép chúng tôi bắt kịp”, Qiu Mingquan cho biết.
Qiu Mingquan cho biết công ty của ông vẫn đang thảo luận với chính quyền Trung Quốc về loại chứng chỉ mà tài xế/phi công phải có để vận hành phương tiện, vì bản chất đây là thiết bị kép vừa là xe ô tô vừa là thiết bị bay eVTOL.
Mỹ cũng đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp này. Năm ngoái, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cập nhật các quy tắc của mình để làm rõ các yêu cầu về trình độ để vận hành các phương tiện loại ô tô bay và giải quyết các yêu cầu vận hành của chúng, bao gồm độ cao an toàn tối thiểu và tầm nhìn bắt buộc. Đây là lần đầu tiên sau hơn 80 năm, FAA tạo ra một loại máy bay mới.
FAA cũng đã công bố bản thiết kế về cách thức hoạt động của các phương tiện như ô tô bay dành cho người tiêu dùng.
Theo Leo Kayali, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Invo Station, một công ty sản xuất xe bay cá nhân chạy điện có trụ sở tại San Francisco cũng tham gia triển lãm tại CES, những thay đổi về quy tắc này là chìa khóa để ra mắt một phương tiện bay thương mại.
Sản phẩm đầu tiên của Invo sẽ là một phương tiện bay hạng sang hình đĩa bay UFO có thể chở tối đa ba hành khách và bay được quãng đường lên đến 300 dặm (480km), tương đương với khoảng cách của một chiếc xe điện Model 3 thông thường. Chiếc xe bay Invo sẽ chạy hoàn toàn bằng pin và tự động, nghĩa là người lái không cần phải học cách bay để sử dụng nó.
Kayali nói với Nikkei Asia vào ngày 7/1, ngày triển lãm công nghệ CES thường niên chính thức bắt đầu, công ty đã hoàn thành việc sản xuất nguyên mẫu đầu tiên vào tháng 12 nhưng không thể vận chuyển chiếc xe đến CES đúng hạn.
Ông cho biết ông hy vọng chiếc xe bay Invo đầu tiên sẽ cất cánh từ San Francisco nhưng cũng nói thêm rằng công ty của ông đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ Ấn Độ và Nhật Bản.
Chiếc xe bay giống UFO này sẽ có giá khởi điểm là 350.000 USD và đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng trước. Kayali cho biết công ty đang đặt mục tiêu bắt đầu giao hàng vào năm 2027.
“Đây là ngày giao hàng muộn nhất mà chúng tôi dự đoán, dựa trên hiểu biết của chúng tôi về quy trình cấp chứng nhận của FAA”, Kayali cho biết.