Nhiều ý tưởng sáng tạo, mô hình tiết kiệm điện hiệu quả đầy ấn tượng!


Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể do Báo Thanh Niên và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đồng tổ chức, chính thức diễn ra tại Hội trường EVNHCMC (Q.1,TP.HCM) diễn ra sáng 17.9 đã ghi nhận nhiều đóng góp, chia sẻ về tiết kiệm điện hiệu quả thực tế trong cuộc sống.

Ông Phạm Quốc Bảo – Chủ tịch HĐTV EVNHCMC.

Cuộc thi được yêu thích bởi tính thực tiễn và “bài toán” hiệu quả về kinh tế

TS Nguyễn Công Tráng, Giảng viên Khoa Điện – Điện tử Trường ĐH Tôn Đức Thắng, là thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Với vai trò là người cầm cân nảy mực, ông đánh giá chất lượng các bài thi năm nay vượt trội hơn so với mùa trước, có nhiều ý tưởng độc đáo và sáng tạo được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần kéo giảm tiền điện”.

TS Nguyễn Công Tráng còn ấn tượng đặc biệt với bài thi đạt giải nhất, khi giải pháp tiết kiệm điện được đề cập có thể được nhân rộng trong được trong xí nghiệp, công ty và cả trong các hộ gia đình. Các bài thi đạt giải còn lại, ông nhận xét cũng vô cùng thú vị, có nhiều phương pháp có thể ứng dụng vào thực tế đời sống và phổ biến rộng rãi.

Là đại sứ cuộc thi tiết kiệm điện năm nay, ca sĩ Huỳnh Thật chia sẻ: “Tôi càng ý thức hơn trong việc tiết kiệm điện từ những việc làm nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như chỉnh điều hòa ở mức nhiệt độ vừa phải, hẹn giờ hoặc áp dụng nhiều mẹo để không quên tắt những thiết bị điện không cần thiết, kiểm tra lại các thiết bị điện khi ra khỏi nhà”.

“Thông qua đó, Huỳnh Thật cũng lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện tới mọi người, bắt đầu từ những người xung quanh của mình. Hy vọng thông qua cuộc thi, mọi người sẽ tìm hiểu thêm được nhiều cách tiết kiệm điện khác nhau cho riêng mình”, ca sĩ Huỳnh Thật nói thêm.

Chị Phạm Thị Hường là tác giả đoạt giải khuyến khích với bài dự thi Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện, với nhân vật bà Ngát đã đạt giải Nhân vật truyền cảm hứng của cuộc thi năm nay. Từ Hà Nội, nhận được thư mời của Ban Biên tập Báo Thanh Niên, tác giả Phạm Thị Hường được cô Lê Thị Loan – Hiệu trưởng trường THCS Phú Diễn (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tạo mọi điều kiện để thu xếp công việc từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia lễ trao giải và giao lưu cùng các khách mời.

Tại lễ tổng kết và trao giải, chị Hường cho biết bà Ngát là giúp việc của hàng xóm nhà chị, sống gần nhau nên chị hiểu rõ về câu chuyện của bà.

Bà Ngát một là vợ một liệt sĩ lên phố làm giúp việc. Mặc dù chỉ là người làm thuê, sức khỏe không tốt nhưng áo quần trong nhà bà vẫn cố gắng giặt tay, rất ít khi dùng đến máy giặt. Toàn bộ các thiết bị trong nhà, bà đều có cách sử dụng để không tốn nhiều điện giúp cho gia chủ nơi bà Ngát giúp việc tiết kiệm được tiền điện khá nhiều.

Các khách mời tại buổi giao lưu. Ảnh: ĐỘC LẬP

“Từ những điều mắt thấy tai nghe về câu chuyện của bà, tôi đã kể lại và gửi dự thi. Là một giáo viên dạy Văn, thông qua tấm gương tiết kiệm điện của bà Ngát, càng cho tôi có cơ hội tiếp tục truyền lửa cho các em học sinh trường mình, cũng như các thành viên trong gia đình và xã hội về cách tiết kiệm điện”, chị Hường chia sẻ thêm.

Khi người trẻ cũng luôn tiết kiệm điện

Nhận xét về các tác phẩm dự thi năm nay, nhà thơ Lê Minh Quốc, thành viên Ban giám khảo cho biết khi đọc những bài dự thi, ông cảm thấy vô cùng thú vị khi nhiều tác phẩm chèn thơ vào bài. “Vấn đề khô khan nhưng trình bày mạch lạc và có thơ khiến câu chuyện nhẹ nhàng, lan tỏa hơn”, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét.

Cũng theo vị giám khảo này, cuộc thi năm nay huy động được nhiều người ở khắp các ngành nghề, lứa tuổi tham gia. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết trong việc tiết kiệm điện, nếu người đứng đầu tổ chức gương mẫu sẽ tác động tới tập thể phía sau. Nếu trong một nhà có sự đồng thuận của vợ chồng, của cha mẹ, con cái, chắc chắn việc tiết kiệm điện diễn ra dễ dàng, thông suốt.

Ban tổ chức tặng hoa cám ơn các khách mời giao lưu. Ảnh: ĐỘC LẬP

Tác giả Nguyễn Phương Quang Trường (TP.HCM) đạt giải nhì cuộc thi với tác phẩm Tự động hóa, quản lý chiếu sáng trong nhà một cách thông minh để tiết kiệm điện. Tác phẩm đề cập việc bằng cách sử dụng bộ hẹn giờ, bạn có thể tự động hóa quản lý chiếu sáng trong nhà một cách thông minh và hiệu quả, giúp giảm chi phí điện mà vẫn đảm bảo được sự tiện lợi, an toàn cho gia đình và đặc biệt là tiết kiệm điện rất hiệu quả.

“Việc tiết kiệm điện không chỉ là việc tắt đèn khi không sử dụng mà còn bao gồm sử dụng thiết bị điện hiệu quả hơn, giảm thiểu lãng phí năng lượng và thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Khi mọi người cùng chung tay, chia sẻ trách nhiệm và thúc đẩy thói quen này, chúng ta không chỉ tạo ra một môi trường sống bền vững mà còn tăng cường sự hòa hợp và niềm vui trong gia đình”, tác giả Nguyễn Phương Quang Trường nói thêm.

Là một sinh viên, Quang Trường cho biết thông qua mạng xã hội, người trẻ có thể truyền tải thông điệp tiết kiệm điện cho mọi người một cách nhanh chóng. Từ đó, việc tiết kiệm điện lan tỏa với nhiều người hơn.

Đại diện tác giả đoạt giải nhất (nữ) nhận thưởng từ các ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc EVN, ông Phạm Quốc Bảo – Chủ tịch HĐTV EVNHCM và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên trao giải cho các tác giải đạt giải ba.

Đại diện EVN (phải) trao giải cho các tác giả giải khuyến khích. Ảnh: ĐỘC LẬP

Tác giả Nguyễn Thắm là tác giả của bài dự thi Cô Tư Lan xóm tôi cũng đạt giải Nhân vật truyền cảm hứng là cô Tư Lan. Chị Thắm kể về cô Tư Lan, tên thật Trần Thị Lan, ở xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (Đồng Nai) mặc dù ở tuổi 60 và đang chăm sóc mẹ già (85 tuổi) nhưng lối sống tối giản của cô khiến ai cũng ngưỡng mộ. Trong đó, có nhiều bí quyết tiết kiệm điện từ những hành động nhỏ nhặt mà chị “theo cô học hoài không hết”.

Kết quả cuộc thi viết ‘Tiết kiệm điện thành thói quen’ lần thứ 2 do Báo Thanh Niên và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC)

01 Giải nhất (10 triệu đồng) đã thuộc về tác phẩm: 5T “bửu bối’ đã cứu hóa đơn tiền điện nhà tôi của tác giả Hoàng Bảo Lâm.

02 Giải nhì (8 triệu đồng): Phó quản điện ở lớp tôi (Thiều Nguyễn Vĩ Dạ); Tự động hóa, quản lý chiếu sáng trong nhà một cách thông minh để tiết kiệm điện. (Nguyễn Phương Quang Trường).

03 Giải ba (6 triệu đồng): Nhiều cách sử dụng thiết bị điện phù hợp sẽ góp phần tiết kiệm điện hiệu quả (Lê Nhất Linh); Bà tôi và ngôi nhà của những lựa chọn trong việc tiết kiệm điện (Võ Tấn Thành); Tiết kiệm điện, trông người mà ngẫm đến ta… (Nguyễn Hoàng Thảo),

25 Giải khuyến khích (2 triệu đồng): Khi nàng dâu và mẹ chồng đồng lòng… (Nghĩa Thành); Tấm gương sáng tiết kiệm điện của ông tôi (Nguyễn Thái Bình); Độc, lạ: hợp tác giặt đồ chung với bạn cùng phòng trọ (Phạm Ngọc Hùng); Biệt đội 5S, những ‘chiến binh’ tiết kiệm điện số 1 (Cương Trúc), Thầy hiệu trưởng nêu gương tiết kiệm điện (Nguyễn Văn Công); Mỗi ngày góp nhặt một chút, lâu dần tiết kiệm điện thành thói quen cho cả nhà (Nguyễn Thị Thu An); Lắp vòi nước tưới cây tự động, tôi tiết kiệm được khối tiền (Trần Văn Tám); Bốn cây chụm lại nên hòn núi cao’ ở nhà tôi (Phạm Thị Phương); Đức tính quý báu của mẹ…(Hồ Vĩ Tùng), Có app chăm sóc khách hàng, chẳng còn ngỡ ngàng tiền điện (Đào Thị Thanh Tuyền); Đâu chỉ siêng tắt đèn là….tiết kiệm điện (Anh Nguyên), Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện (Phạm Thị Hường); Kinh nghiệm xương máu của nghề ‘năng nhặt chặt bị’ (Trần Minh); Tôi đã ‘ngấm’ những quy tắc tiết kiệm điện của má (Thi Hoàng Khiêm); Khi đi thì nhớ chấm công, khi về thì chớ quên công tắc đèn (Nguyễn Thị Thanh Huyền); Đèn mặt trời’ trên cao nguyên đá (Phạm Mạnh Hào); Sao nối ngôi’ thi đua tiết kiệm điện (Ngọc Nữ); Nhiều cách tiết kiệm điện trong gia đình, không khó (Trịnh Cường); Tôi học hỏi thói quen tiết kiệm điện từ mẹ (Nguyễn Phương Dung); Hoàn thiện nơi ở thân thiện với môi trường (Trần Ngọc Tiến); Vợ chồng Tư Ếch và “vị thần” Excel bí ẩn (Trần Quốc Vĩnh); Một người vui ba người khỏe’ và những hành động thân thiện với ví tiền mẹ (Nguyễn Phạm Gia Nhi); Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo (Phạm Thị Yến); Cô Tư Lan xóm tôi (Nguyễn Thắm); Tổ dân cư siêu tiết kiệm điện (Ngô Đức Quang).

02 Giải Nhân vật truyền cảm hứng (3 triệu đồng): Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện của tác giả Phạm Thị Hường và Cô Tư Lan xóm tôi (Nguyễn Thắm).

Ban Tổ chức xin chia vui với các tác giả đoạt giải và hoan nghênh tinh thần nhiệt tình của tất cả các tác giả đã nhiệt tình gởi bài về dự thi.

Theo Báo Thanh niên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *